Uống Bia/Rượu Có Thực Sự Giúp Bạn Ngủ Ngon Hơn?

10 lượt xem

Hôm bữa trong bàn nhậu, có anh chia sẻ với mình rằng, “anh thấy uống bia rượu vào ngủ ngon hơn á!” Thực tế, mình cũng thấy có nhiều Chú hay các Anh cũng thường uống bia rượu vào buổi tối và nghĩ rằng nó sẽ giúp mình ngủ ngon hơn. Đây là một trong những hiểu lầm mà nhiều người mắc phải, khi cho rằng một trong những chất trợ giúp giấc ngủ là bia, rượu. Nhiều người tin rằng bia/rượu có thể giúp họ dễ đi vào giấc ngủ hơn, thậm chí giúp họ ngủ ngon hơn mỗi đêm.

Sự thật có đúng như vậy không, hãy cùng tìm hiểu với mình nhé! 🫶

Khi cơ thể chúng ta uống bia/rượu vào giống như chúng ta uống một liều thuốc an thần vậy bởi vì lúc này khả năng duy trì ý thức giảm dần và chúng ta có thể buông bỏ ý thức dễ dàng hơn. Bia rượu sẽ làm dịu các bộ phận của bộ não, và sau đó bạn sẽ cảm thấy uể oải như tình trạng lờ đờ bị say xỉn. Chúng bắt đầu khiến bạn không còn tỉnh táo nhưng nó không đem lại giấc ngủ tự nhiên như mọi người thường nghĩ.

🟣 Bia/rượu phá hủy giấc ngủ của chúng ta theo 2 cách chính:

1️⃣ Thứ nhất, rượu phân mảnh giấc ngủ, chia nhỏ giấc ngủ đêm với nhiều lần thức dậy ngắn ngủi. Do đó, giấc ngủ khi chúng ta uống bia/rượu không có tính liên tục và kết quả là không hồi phục sức khỏe. Việc gián đoạn giấc ngủ có thể vào những lúc như đi vệ sinh nhiều lần trong đêm, cơ thể cảm thấy bứt rứt, khó chịu hay bạn phải mất nhiều tiếng đồng hồ cho gan và thận phân hủy và bài tiết được hết chỗ rượu đó. Và tất nhiên, khi các cơ quan này còn hoạt động mạnh thì giấc ngủ của bạn cũng sẽ không thể nào trọn vẹn được. Nhưng thường vào sáng hôm sau mọi người sẽ không biết có sự xuất hiện gián đoạn giấc ngủ xảy ra này.

2️⃣ Thứ hai, bia rượu là một trong những chất ức chế giấc ngủ REM mạnh nhất, khi cơ thể chuyển hóa rượu, nó tạo các hóa chất phụ phẩm có tên là aldehyde và xeton. Chính các aldehyde này sẽ ngăn chặn khả năng sinh ra giấc ngủ REM – hay nói cách khác nó tước đi giấc ngủ mơ của chính mình.

Việc trải qua thời gian dài không có giấc ngủ mơ, sẽ sinh ra sự tích lũy, tồn đọng khủng khiếp về áp lực có được giấc ngủ REM. Điều này, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mức: họ có thể nằm mơ ngay cả khi tỉnh táo. Áp lực giấc ngủ REM bị dồn nén và phun trào mạnh mẽ trong trạng thái tỉnh táo khi thức, gây ra ảo giác, ảo tưởng và mất phương hướng.

🟣 Bia rượu và các rối loạn giấc ngủ:

Bia rượu còn có thể gây rối loạn giấc ngủ bằng cách can thiệp vào quá trình gây ra các chứng rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến nhịp sinh học.

☘️ Đối với những người ngáy ngủ hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ, thì việc uống bia rượu sẽ có xu hướng làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Ví dụ, bia rượu khiến các cơ lưỡi và họng thư giãn. Nó cũng gây ra những thay đổi đối với các mạch máu trong mũi, dẫn đến sức cản đường thở lớn hơn trong các khoang mũi. Những thay đổi này làm tăng đáng kể khả năng và thời gian diễn ra các hoạt động thở trong khi ngủ.

Bia rượu cũng ảnh hưởng đến những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA), bởi nó cản trở khả năng tiếp nhận các thông điệp hóa học liên quan đến hơi thở của não, làm giảm nhu cầu hô hấp của cơ thể và làm tăng khả năng ngừng thở.

☘️ Sử dụng bia rượu nhiều có thể góp phần gây ra chứng mất ngủ. Có tới ba phần tư số người nghiện bia rượu gặp phải các triệu chứng mất ngủ khi họ uống.

Trong khi việc sử dụng nhiều bia rượu có thể gây mất ngủ, thì điều ngược lại cũng đúng. Những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc chứng rối loạn sử dụng bia rượu cao hơn, có khả năng là do nhiều người dùng bia rượu như một phương pháp hỗ trợ giấc ngủ.

Đối với những người nghiện bia rượu và mất ngủ, có một mô hình vòng xoáy nguy hiểm như thế này: mất ngủ -> tìm đến bia rượu để ngủ ngon hơn -> nhưng họ lại mất ngủ nghiêm trọng hơn. Để chống lại cảm giác buồn ngủ quá mức mà họ cảm thấy trong ngày, thì họ lại dựa vào caffeine hoặc lại tiếp tục uống bia rượu, nhưng điều này khiến họ càng khó đi ngủ hơn và vòng lặp cứ thế diễn ra. 🥲

☘️ Việc sử dụng bia rượu còn ảnh hưởng đến mô hình nhịp sinh học của mỗi người nữa. Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ rượu có thể làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với các tín hiệu, như ánh sáng ban ngày và bóng tối, gây ra sự thay đổi nhiệt độ cơ thể và tiết ra hormone melatonin gây ngủ. Những biến động này đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ ngủ-thức, và khi chúng yếu đi hoặc không có thì một người có thể cảm thấy tỉnh táo khi họ muốn ngủ và buồn ngủ khi họ muốn thức.

📝 Các chuyên gia khuyến nghị:

• Tránh uống bia rượu ít nhất 3 tiếng trước khi ngủ
• Nếu bạn đang gặp vấn đề về giấc ngủ -> tốt nhất nên tránh hoàn toàn bia rượu
• Quan trọng hơn, hãy hiểu rằng: giấc ngủ khỏe mạnh không thể xây dựng dựa trên nền men say được! 😜

👉👉👉 Giấc ngủ không chỉ là lúc bạn “nghỉ ngơi” – mà là lúc cơ thể chữa lành, tái tạo, khôi phục năng lượng và cảm xúc. Nếu bạn đang mất ngủ, ngủ không sâu, hay luôn cảm thấy mệt mỏi dù ngủ đủ giấc – hãy cho mình cơ hội tìm lại giấc ngủ tự nhiên, khỏe mạnh nhất. Mình luôn ở đây để có thể tư vấn, đồng hành giúp bạn có một giấc ngủ ngon – một cách tự nhiên, khoa học và bền vững.

Bài này trong danh mục Thân.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *