Ba từ Thở, Cười, Chấp nhận – là 3 từ khóa mà mình mang về từ chuyến đi Huế cuối tuần vừa rồi. Chỉ vỏn vẹn ba từ, nhưng chúng mang trong mình cả một hành trình tỉnh thức và yêu thương. Bạn có thấy 3 từ này gợi lên điều gì trong bạn hay không? 

Thở – Hành trình quay về chính mình
Chúng ta thở mỗi ngày, mỗi phút, nhưng có mấy ai thực sự thở? Hơi thở là nhịp cầu nối ta với sự sống, nhưng trong cuộc sống vội vã, đầy lo âu, nhiều người không biết cách thở đúng. Trong quá trình đồng hành cùng khách hàng, mình phát hiện ra rằng khoảng 70-80% mọi người chưa thực hành hơi thở đúng.
Khi bạn thở đúng cách – chậm rãi, sâu, và tỉnh thức – bạn không chỉ cung cấp đủ oxy cho cơ thể mà còn khơi dậy sự cân bằng trong hệ thần kinh, giúp tâm trí lắng dịu và cảm xúc được điều hòa.
Bản thân mình, thì đã thực tập về hơi thở và cũng có cơ hội được chia sẻ cùng với mọi người để cùng thực hành nên mình luôn dành thời gian trong ngày để dừng lại, chỉ để thở và quan sát được hơi thở vào, hơi thở ra của mình mà thôi.
Dù bận rộn đến mấy, hãy dành vài phút mỗi ngày để ngồi xuống, dừng lại và cảm nhận hơi thở vào ra. Trong khoảnh khắc ấy, bạn sẽ thấy sự sống đang chảy trôi một cách nhiệm màu, bạn nhé! 

“Thở vào thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang”
Cười – Chìa khóa mở cửa tâm hồn
Nụ cười tưởng chừng là điều giản đơn, nhưng bạn biết không, có những người đã quên cách cười từ rất lâu rồi. Mình đã từng được đồng hành với một khách hàng như vậy, bao nhiêu năm rồi, họ vẫn chưa cảm nhận được nụ cười chân thật nhất của họ, họ không thể cười với sự hân hoan trong lòng họ, mà chỉ là những nụ cười giả dối, như thể họ sợ ai đó hiểu được tâm can của mình. Nụ cười thật sự – nụ cười không che giấu, không giả tạo – là món quà quý báu. Nó giúp chữa lành, làm dịu những nỗi đau, và mang lại bình yên không những cho ta mà còn cho những người xung quanh ta, bởi vậy mà ông bà ta có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” là vậy.
Thầy Thích Nhất Hạnh từng có câu: “Đôi khi niềm vui chính là nguồn gốc của nụ cười, nhưng đôi khi nụ cười có thể lại là suối nguồn niềm vui của bạn”. Vì vậy, đừng đợi có niềm vui rồi mới cười mà hãy mỉm cười, ngay cả khi lòng bạn chưa trọn vẹn, dù hoàn cảnh có thách thức thế nào thì nụ cười ấy cũng sẽ trở thành ánh sáng xua tan u tối, là cầu nối đưa bạn đến với niềm vui, động lực và sự biết ơn trong cuộc sống.
Giống như mình và các bạn nhỏ, nhiều khi chơi trò chơi ai cười được nhiều và lâu nhất thì người đó sẽ chiến thắng, thì tự nhiên cả nhà đều vui cả
.

“Thở cho sâu thở thật nhẹ, cười lên nhé em
Để thấy rằng cuộc đời kia rất chân thật”
Chấp nhận – Nghệ thuật buông xả
Trong ba từ, có lẽ Chấp nhận là điều khó thực hành nhất. Chấp nhận nghĩa là nhìn nhận mọi thứ như nó đang là, không phán xét, không chống đối. Chấp nhận bản thân, chấp nhận người khác, và chấp nhận cả hoàn cảnh. Nghe dễ, nhưng thật ra đây là một hành trình đầy thử thách.
Mình hay bạn có thể chấp nhận những điều nhỏ nhặt – như sự nghịch ngợm của con trẻ hay sự khó chịu từ Cô hàng xóm – nhưng liệu bạn đã chấp nhận được chính mình? Chúng ta thường dễ tha thứ cho người khác hơn là tha thứ cho bản thân. Đôi khi, mình cũng từng tự trách mình: “Tại sao mình không làm tốt hơn?”, “Sao mình lại kém cỏi thế này?” Nhưng rồi, mình nhận ra sự không hài lòng ấy chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi.
Chấp nhận không có nghĩa là buông xuôi, mà là buông bỏ những kỳ vọng và phán xét không cần thiết. Nó là hành động yêu thương và tha thứ, để mình có thể sống một cách nhẹ nhàng và tự tại.
Thở – cười – chấp nhận, ba từ này nghe thì đơn giản, nhưng để thực tập và duy trì, bản thân mình cũng rất cần sự kiên nhẫn và tinh tấn. Khi thở chậm, mỉm cười dịu dàng, và đón nhận mọi điều như nó đang là, mình cảm thấy lòng mình trở nên an yên và mọi chuyện dường như rồi sẽ ổn!.. Thật đấy, nhưng đừng tin mình hãy thử và chiêm nghiệm, bạn nhé! ^^