Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, tới người trưởng thành và cho đến người già. Tuy nhiên, điều đáng mừng là táo bón có thể được cải thiện thông qua việc thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh.
Bạn có khả năng bị táo bón nếu:
- Bạn đã không đi đại tiện ít nhất 3 lần trong tuần
- Phân thường lớn, khô, cứng hoặc vón cục
- Bạn cảm thấy căng thẳng hoặc đau đớn khi đi đại tiện.
- Cảm thấy bị tắc nghẽn trong trực tràng mà không đại tiện được
- Đôi khi bạn cũng có thể bị đau bụng hoặc đầy hơi, khó chịu trong ruột.
Táo bón được coi là mãn tính nếu bạn gặp 2 hay nhiều triệu chứng này trong ba tháng.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón:
Đường tiêu hóa bao gồm một loạt các cơ quan trải dài từ miệng đến hậu môn, chịu trách nhiệm tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải.
Ruột già bao gồm ruột kết và trực tràng, là nơi hấp thụ nước từ thức ăn đã tiêu hóa và chuyển nó từ dạng lỏng sang dạng rắn (phân). Táo bón xảy ra khi thức ăn được tiêu hóa quá lâu trong ruột kết. Nó cũng có thể xãy ra khi ruột kết của bạn hấp thụ quá nhiều nước, làm cho phân trở nên cứng và khô, từ đó các cơ của trực tràng khó đẩy ra khỏi cơ thể.
Một số yếu tố dẫn đến táo bón, gồm:
- Chậm làm rỗng ruột kết do rối loạn sàn chậu và phẫu thuật ruột kết.
- Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích.
- Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng: thuốc bổ sung canxi; thuốc kháng cholinergic và thuốc chống co thắt (thường được sử dụng để điều trị co thắt ở ruột); thuốc chống co giật, được sử dụng để ngăn ngừa co giật; thuốc chặn canxi; thuốc lợi tiểu; chất sắt; thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson; một số loại thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm…
- Sự thay đổi trong thói quen hàng ngày cũng có thể dẫn đến táo bón. Ví dụ, một số người nhận thấy rằng việc đi đại tiện tại trường học, công ty hoặc khi đi du lịch sẽ khó khăn hơn so với thói quen đi vệ sinh tại nhà. Những người già và phụ nữ mang thai cũng tăng nguy cơ bị táo bón.
- Về mặt tinh thần, táo bón có thể tạo ra nếu bạn thường xuyên căng thẳng, lo lắng, hay trầm cảm,…
Các nguyên nhân liên quan đến lối sống dẫn đến táo bón, bao gồm:
- Không ăn đủ chất xơ
- Mất nước hoặc không cung cấp đủ nước
- Ít vận động/thiếu tập thể dục
- Thói quen trì hoãn việc đi đại tiện
- Phụ thuộc thuốc nhuận tràng, thuốc xổ (khi dùng không đúng cách).
Để điều trị và ngăn ngừa táo bón, thì bạn có thể thực hiện những thay đổi đơn giản đối với chế độ ăn uống và lối sống.
Chế độ ăn uống:
- Uống đủ nước, đừng để quá khát (1,5-2 lit/ngày).
- Hạn chế uống rượu bia và đồ uống chứa cafein vì nó khiến cơ thể bị mất nước.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt…
- Hạn chế ăn quá nhiều thịt và thực phẩm có tính axit, các thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn.
Cải thiện thói quen đi vệ sinh:
- Đừng trì hoãn nếu như bạn muốn đi đại tiện.
- Giữ thời gian và địa điểm đều đặn và dành nhiều thời gian để đi vệ sinh.
- Để đi vệ sinh dễ dàng hơn, hãy thử gác chân lên một chiếc ghế đẩu thấp khi đi vệ sinh. Nếu có thể, hãy nâng cao đầu gối của bạn cao hơn hông.
Cân nhắc tăng vận động/tập thể dục thường xuyên.
- Đi bộ hoặc chạy hàng ngày có thể giúp bạn đi đại tiện đều đặn hơn.
- Lên kế hoach vận động/tập thể dục khoảng 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
Thư giãn hợp lý
- Nếu bệnh táo bón của bạn do căng thẳng tinh thần thì hãy nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý và thiền tập để tâm trí bạn tĩnh lặng, bớt suy nghĩ tiêu cực,…
Trao đổi với bác sĩ:
- Hãy nhờ bác sĩ tư vấn về tình trạng táo bón nếu bị táo bón lâu ngày và trở thành bệnh mãn tính. Họ có thể đề xuất thuốc nhuận tràng để bạn đi đại tiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên thuốc chỉ sử dụng trong thời ngắn.
- Nếu đang điều trị một bệnh nào đó, hãy hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc vì có thể nó gây ra tình trạng táo bón. Từ đó, có thể yêu cầu bác sĩ xem xét đổi thuốc nếu cần.
Theo đồng hồ sinh học của mỗi người, thì việc đi đại tiện để thải các chất không cần thiết ra ngoài cơ thể là vào buổi sáng sớm. Vì vậy, hãy tạo thói quen đi đại tiện vào buổi sáng sau khi thức dậy là tốt nhất. Hãy uống một ly nước ấm, sau đó bạn có thể dùng tay để xoa quanh vùng bụng theo chiều kim đồng hồ để giúp kích thích ruột, khiến việc đi đại tiện được dễ dàng hơn. Hãy cẩn trọng nếu bạn bị táo bón mãn tính, vì khi táo bón thì những độc tố vẫn còn trong ruột vì thế về lâu dài dễ gây ra các bệnh mãn tính khác hoặc ung thư.
Tóm lại, táo bón là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến hầu hết mọi người. Nếu ai đã từng bị táo bón sẽ hiểu được cảm giác khó chịu này, vì vậy hãy lựa chọn chế độ ăn phù hợp nhiều chất xơ, uống đủ nước, thường xuyên vận động và thực hiện lối sống lành mạnh để ngăn ngừa táo bón bạn nhé! ^^
Tham khảo:
https://www.everydayhealth.com/constipation/guide/
https://www.nhs.uk/conditions/constipation/
https://www.healthline.com/health/constipation#symptoms