Thật ra, xu hướng nhai thức ăn nhiều lần trước khi nuốt đã xuất hiện từ khá lâu vào khoảng những năm 1900. Nhưng theo thời gian, con người có thể do quá bận rộn – không có thời gian để ăn, nên việc ăn nhanh, ăn không cần nhai kỹ khá là phổ biến.
Vậy, tại sao chúng ta cần nhai kỹ (nhai nhiều lần trước khi nuốt)? Sau đây là những lợi ích của việc nhai kỹ:
Giúp cho quá trình tiêu hóa được tốt hơn:
Khi nhai kỹ nhiều lần, thức ăn sẽ được nghiền nát hoàn toàn, từ đó dạ dày sẽ hoạt động hiệu quả hơn, phân hủy thức ăn nhanh hơn và cơ thể dễ hấp thu hết các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Kích thước thức ăn mà thành ruột có thể hấp thu được là 15 micron (tương đương 0,015 millimeter), vì thế nếu chúng ta có ăn nhiều đi chăng nữa, nhưng thức ăn không được nhai kỹ, kích thước còn lớn thì cũng sẽ không được hấp thu mà bị đào thải ra ngoài.
Tiết kiệm Enzyme:
Với việc ăn nhanh, thức ăn chưa được nghiền nát thì cơ thể sẽ không hấp thu được, thức ăn sẽ bị thối và lên men bất thường trong ruột, sinh ra các chất độc hại (gây nên các bệnh như tiểu đường, ung thư,…), từ đó cơ thể phải tiêu tốn nhiều enzyme để giải độc.
Với việc nhai kỹ, thì lượng thức ăn ít, được tiêu hóa hoàn toàn sẽ không phát sinh các chất độc do thức ăn thừa chưa tiêu hóa hết trong đường ruột gây ra. Vì vậy, cơ thể cũng có thể tiết kiệm được một lượng enzyme dùng trong giải độc.
Ngoài ra, khi chúng ta nhai kỹ sẽ kích thích tiết nước bọt nhiều hơn, các enzym tiêu hóa trong nước bọt đóng một vai trò quan trọng trong việc phân hủy thức ăn. Từ đó, việc tiêu hóa thức ăn trong dạ dày dễ dàng hơn, không tốn thêm nhiều enzyme của toàn bộ cơ thể cho việc tiêu hóa thức ăn này.
Kiểm soát cân nặng hiệu quả:
Khi nhai kỹ, chúng ta sẽ tốn nhiều thời gian hơn, khiến lượng đường huyết trong máu tăng lên trong khi ăn, gây ức chế cảm giác thèm ăn và tránh việc ăn quá nhiều.
Ngoài ra, khi ăn chậm, nhai kỹ thì não sẽ nhận được tín hiệu là chúng ta đã no một cách đúng lúc để chúng ta có thể dừng ăn, nhưng nếu ăn quá nhanh, thức ăn chưa kịp được tiêu hóa thì não của chúng ta vẫn nghĩ là chưa no và tiếp tục ăn, từ đó gây nên tình trạng béo phì.
Tiêu diệt ký sinh trùng, các loại sâu nhỏ:
Các loại rau ăn sống thường hay chứa nhiều ký sinh trùng hoặc các loài sâu nhỏ, và các loại hải sản (cá, mực,..) còn chứa rất nhiều ký sinh trùng, nếu chúng ta ăn sống mà không nhai kỹ, nuốt thẳng thì có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng trong nội tạng, còn nếu như chúng ta nhai thật kỹ thì ký sinh trùng hay các loài sâu nhỏ sẽ bị chết ngay trong khoang miệng.
Những lợi ích khác
Bạn càng nhai kỹ thì nước bọt tiết ra càng nhiều, giúp cho quá trình tiêu hóa được dễ dàng hơn như đề cập ở trên, ngoài ra nước bọt này còn rửa sạch các mảnh thức ăn còn sót lại trên răng, ngăn ngừa vi khuẩn gây sâu răng. Hơn nữa, việc nhai là một bài tập rất tốt cho răng miệng, giúp răng chắc khỏe.
Việc ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp bạn thưởng thức hết được hương vị của món ăn hơn, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị hơn so với việc ăn nhanh.
Nhãi kỹ thức ăn khiến bạn tập trung vào thức ăn, là một trong những thực hành của ăn uống chánh niệm – mindful eating. Giúp mang lại cảm giác thích thú hơn, ăn ngon hơn khi thưởng thức món ăn.
Vậy, nhai kỹ bao nhiêu lần là đủ?
Nhiều chuyên gia, bác sĩ thường hay khuyên rằng nên nhai khoảng từ 20-50 lần, với các đồ ăn cứng hay khó tiêu thì nhai từ 70-75 lần trước khi nuốt thức ăn đó.
Bản thân mình, thì chưa bao giờ nhai đến con số 50 cả!… Nếu mới tập, thì bạn có thể nhai khoảng 10-15 lần là đã thấy khác biệt hẳn so với thói quen ăn nhanh trước đây rồi!
Tóm lại, việc ăn đúng cách rất quan trọng như ông bà ta có câu “Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa” hay một ngạn ngữ của Ấn Độ cũng có câu “Uống đồ ăn, nhai thức uống” để nói về việc ăn chậm, nhai kỹ này. Vì vậy, hãy ăn chậm, nhai kỹ thức ăn ngay từ bây giờ, không những bạn sẽ thưởng thức hết các hương vị của món ăn mà còn đạt được rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của bản thân mình.