Có bao giờ bạn tự hỏi:
- Thói quen được hình thành như thế nào?
- Tại sao, mỗi sáng thức dậy hay tối trước khi đi ngủ, bạn thường vệ sinh răng miệng mà không cần đắn đo suy nghĩ?
- Liệu có thể thay đổi một thói quen mới tích cực hơn thay cho một thói quen cũ chưa tốt được hay không?
- Ai cũng biết tập thể dục là tốt cho sức khỏe, nhưng làm thế nào để tạo được thói quen tập thể dục hằng ngày?
Nếu bạn có những thắc mắc như trên, thì bài viết này dành cho bạn! ^^
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu như không ở trong tình trạng bắt buộc phải thay đổi, chúng ta thường có khuynh hướng thực hiện các hành động theo thói quen, tức là làm theo cách thức mà chúng ta thường hay làm trước đây, mọi người có thấy như vậy không?
Chẳng hạn như, chúng ta thường vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Ngày nay, mỗi lần đi xe máy ra đường, chúng ta có thói quen đội mũ bảo hiểm, hay khi đến trường, chúng ta mặc đồng phục đi học, nhiều người có thói quen tắm buổi tối, nhưng có nhiều người khác lại có thói quen tắm buổi sáng…
Vậy, thói quen được hình thành như thế nào? Tại sao việc rèn luyện một thói quen mới lại rất khó với nhiều người? Như bản thân mình, để có thói quen tập thể dục mỗi ngày, thì mình cũng mất gần một năm trồi sụt thì mới có thể hình thành được thói quen này. Hãy cùng hiểu rõ hơn về Sức Mạnh Thói quen qua bài viết này của mình nhé.
Đầu tiên, thói quen sẽ giúp bạn hành động mà không cần phải quyết định hay suy nghĩ:
Thật vậy, mỗi sáng thức dậy, bạn có khó khăn hay nổ lực phải suy nghĩ rằng mình có nên đánh răng hay không đánh răng?
Nếu bạn có thói quen chạy bộ vào buổi sáng lúc 5h, thì chắc hẳn bạn sẽ không khó khăn khi quyết định nên ngủ nướng hay thức dậy đúng giờ?
Nếu công ty của bạn yêu cầu mặc đồng phục nơi công sở, thì mình tin là mỗi sáng trước khi đi làm bạn không phải lăn tăn hôm nay mình mặc váy hoa hay quần jean.
Mỗi ngày, chúng ta phải đứng trước rất nhiều việc lựa chọn như là ăn gì hay không ăn gì, làm gì hay không làm gì, gặp ai hay không nên gặp ai, … thì thói quen đã giúp não chúng ta bớt những suy nghĩ , bớt đưa ra những quyết định…
Tại sao thói quen lại giúp chúng ta hành động mà không cần đưa ra quyết định?
Eugene Pauly sau khi có những nghiên cứu thử nghiệm, đã phát hiện ra vòng lặp thói quen hay cách thức mà thói quen hoạt động đó là: Gợi ý -> hành động -> phần thưởng. Mô hình này chỉ ra rằng, khi gặp những gợi ý quen thuộc, bạn sẽ có những hành động lặp lại để đạt được phần thưởng nào đó.
Ví dụ: việc chạy bộ vào buổi sáng, thì gợi ý ở đây có thể là bộ đồ tập thể dục đêm qua, bạn đã đặt sẵn vào nơi cố định hay đôi giày thể thao được đặt trước cửa nhà, hành động chạy bộ xong thì bạn sẽ nhận được phần thưởng là cơ thể cảm thấy khỏe khoắn hơn.
Hay việc đánh răng, thì gợi ý đó là: thời gian – buổi sáng sau khi thức dậy, hành động – đánh răng, phần thưởng – hàm răng sạch, thơm tho,…
Thói quen đọc sách thì gợi ý là – quyển sách để trên bàn, tủ sách gần nơi làm việc hay đặt quyển sách ở kệ giường, phần thưởng của việc đọc sách là khám phá thêm nhiều kiến thức mới hay học hỏi thêm vài điều hay…
Như vậy, chỉ cần có những gợi ý đơn giản, rõ ràng và phần thưởng mong muốn đạt được thì hành vi hoặc hành động đó được hình thành.
Thứ hai, thói quen tạo ra sự thèm muốn trong hệ thần kinh, giúp thúc đẩy hành động
Năm 2002, có một nghiên cứu để tìm hiểu tại sao mọi người lại tập thể dục đều đặn. Họ nghiên cứu 266 người, phần lớn đều tập thể dục (TTD) ít nhất 3 lần/tuần và lý do họ tiếp tục đó là: họ thèm muốn 1 phần thưởng nhất định.
Trong nhóm nghiên cứu, 92% người TTD thường xuyên nói rằng vì nó giúp họ cảm thấy tốt hơn – họ bắt đầu mong muốn và trông chờ vào các hoocmon giảm đau và những chất dẫn truyền thần kinh khác do tập thể dục mang lại. Trong 1 nhóm khác, 67% người tham gia cho rằng tập thể dục mang đến cảm giác “thành công” – họ đã thèm khát một cảm giác chiến thắng thường xuyên từ hành động của mình và phần thưởng tự thân đó đủ để biến hoạt động TTD thành một thói quen.
Nếu bạn muốn bắt đầu tập Yoga mỗi sáng, bạn cần phải chọn một gợi ý đơn giản (thảm yoga đặt nơi bạn dễ nhìn thấy nhất khi mới thức dậy) và 1 phần thưởng rõ ràng (cảm giác thành công khi mình hoàn thành xong chuỗi các bài tập, lượng hoocmon có được do tập xong yoga).
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy một gợi ý và một phần thưởng không thể tự làm cho thói quen mới kéo dài mãi được. Chỉ khi não bộ bắt đầu mong đợi phần thưởng – thèm muốn hoocmon giảm đau hay cảm giác thành công- việc trải thảm yoga để bắt đầu tập sẽ trở nên tự động. Bên cạnh việc tạo ra 1 hành vi tự động, gợi ý còn tạo ra sự thèm muốn để có phần thưởng.
Chẳng hạn, nếu muốn tập thể dục được nhiều hơn, hãy chọn 1 gợi ý như đến phòng tập thể dục khi vừa thức dậy và phần thưởng là được gặp mặt mọi người để cùng trò chuyện, và được uống 1 ly nước trái cây yêu thích sau khi tập cùng nhau. Sau đó, hãy nghĩ về cuộc gặp mặt cùng mọi người, được trò chuyện và uống ly nước trái cây yêu thích, chính sự thèm muốn này sẽ giúp bạn có động lực tập thể dục mỗi ngày hơn.
Thứ 3, nếu bạn tập trung vào thay đổi và nuôi dưỡng những thói quen chủ chốt, bạn có thể tạo ra sự chuyển đổi rộng rãi:
Những người có thói quen tập thể dục hằng ngày, thường có xu hướng ăn uống đúng cách và biết chăm sóc cơ thể của mình hơn. Những người có thói quen đọc sách hằng ngày, thì khả năng giao tiếp cũng được cải thiện nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, con cái trong các gia đình có thói quen ăn tối cùng nhau cỏ vẻ có nhiều kỹ năng làm việc nhà tốt hơn, học cao hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn và tự tin hơn. Dọn giường vào mỗi buổi sáng liên quan đến năng suất lao động tốt hơn, cảm giác sung túc hơn và những kỹ năng tốt hơn liên quan đến tiền bạc. Không phải vì bữa ăn gia đình hay một cái giường ngủ sạch sẽ khiến cho việc học cao hơn hay tiêu xài ít đi, mà có lúc những sự chuyển đổi ban đầu bắt đầu chuỗi phản ứng giúp cho những thói quen tốt chiếm ưu thế.
Nếu bạn tập trung vào thay đổi và nuôi dưỡng những thói quen chủ chốt, bạn có thể tạo ra sự chuyển đổi rộng rãi hơn trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên, việc lựa chọn những thói quen chủ chốt không hề dễ dàng, bạn cần phải quan sát, thực nghiệm và rút ra những bài học cho bản thân mình.
Cuối cùng, tin vui là chúng ta có thể thay đổi thói quen chưa tốt để cải thiện cuộc sống của mình:
Sức mạnh của thói quen cũng sẽ gây hại nếu chúng là những thói quen xấu. Những thói quen không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tình cảm, mối quan hệ,… Chẳng hạn như thói quen hút thuốc lá, thói quen xem tivi nhiều giờ liền, thói quen lái xe với tốc độ cao,… Do đó, việc nhận biết và thay đổi thói quen không tốt là rất quan trọng để cải thiện cuộc sống và đạt được mục tiêu cá nhân.
Một ví dụ giúp bạn có thể thay đổi thói quen chưa tốt khi dựa vào gợi ý và phần thưởng cũ, đó là thói quen ăn vặt không lành mạnh (bánh kẹo ngọt, trà sữa nhiều đường…) giữa giờ làm việc vào buổi chiều của các bạn nhân viên làm văn phòng.
- Gợi ý: vào giữa giờ làm việc buổi chiều.
- Hành động: ăn bánh kẹo ngọt hoặc uống 1 ly trà sữa nhiều đường -> gây tăng cân
- Phần thưởng: cảm giác được thỏa mãn, tìm chút niềm vui hay giải tỏa được áp lực công việc.
Để thay đổi thói quen này, vẫn giữ gợi ý cũ (vào giữa giờ làm việc buổi chiều), giữ phần thưởng cũ (cảm giác được thỏa mãn, tìm chút niềm vui hay giải tỏa được áp lực công việc), thay thế hành động mới: tìm người đồng nghiệp gần đó để trò chuyện, nói chuyện phím, hay cùng nhau đi uống 1 tách trà và trò chuyện hay đọc một cuốn sách hay mà mình yêu thích, nghe 1 bản nhạc để thư giãn. Nếu trường hợp mình cảm thấy đói thì có thể chuẩn bị một ít trái cây mang theo để ăn vào giờ đó.
Một khi đã xác định được gợi ý và phần thưởng rõ ràng, bạn sẽ có thể thay đổi hành vi hoặc hành động theo thói quen. Ngoài ra để thói quen được thay đổi lâu dài, thì phải cần có niềm tin – bạn phải tin rằng sự thay đổi có thể thực hiện được. Sự thay đổi có thể không nhanh chóng và luôn không dễ dàng, nhưng với thời gian và nổ lực, gần như bất cứ thói quen nào cũng có thể xây dựng lại được.
Gần như toàn bộ các hành vi hay hoạt động trong cuộc sống của mọi người – cách chúng ta ăn, ngủ, trò chuyện, cách chúng ta sử dụng thời gian hay tài chính – đều là những thói quen mà chúng ta có thể nhận thức được. Một khi bạn hiểu được rằng thói quen có thể thay đổi được thì hãy lựa chọn cho mình những thói quen lành mạnh, tích cực. Việc áp dụng những thói quen tích cực có thể mang lại sự tiến bộ, thành công và hạnh phúc trong cuộc sống của bạn.
Nếu sau khi đọc bài viết này và tìm hiểu thêm về thói quen mà bạn vẫn chưa tự tạo cho mình một thói quen lành mạnh, tích cực giúp mình sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn thì bạn có thể cần một người Health Coach để hỗ trợ. Chương trình Khai Vấn Cá Nhân 1:1 sẽ giúp bạn đặt mục tiêu để thay đổi thói quen và đồng hành hỗ trợ bạn trong việc thực hiện những hành động mới của thói quen đó. Liên hệ với mình, nếu như bạn cần hỗ trợ nhé!