Sức Mạnh Của Hiệu Ứng Giả Dược (Placebo)

1.4K lượt xem

Bạn đã từng nghe đến cụm từ “Giả dược” này hay chưa? Bản thân mình thì đã nghe khá lâu, và cảm thấy hơi tò mò. Nào, cùng tìm hiểu hiệu ứng của giả dược và sức mạnh kỳ lạ của nó với mình nhé!

Giả dược – tiếng anh là Placebo, bắt nguồn từ tiếng Latinh, có nghĩa là “Tôi sẽ làm hài lòng”. Thuật ngữ này xuất hiện vào thế kỷ XIV để chỉ những người khóc thuê tại các đám tang. Đến năm 1785, thuật ngữ này được dùng trong các hoạt động y khoa.

Giả dược là bất cứ thứ gì có vẻ là một phương pháp điều trị y tế “thực sự” – nhưng không phải vậy. Nó có thể là một viên thuốc, một mũi tiêm hoặc một điều trị “giả” khác. Điểm chung của tất cả các loại giả dược là chúng không chứa hoạt chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Giả dược hoạt động bằng sức mạnh của NIỀM TIN. Chúng hiệu quả vì người ta tin tưởng chúng. Bạn uống một viên thuốc, sau đó thấy khá hơn rất nhiều. Bạn đến gặp bác sĩ và sau đó cảm thấy ổn hơn. Nếu được gặp một bác sĩ hay chuyên gia uy tín nữa thì có thể bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn rất nhiều.

Dẫn chứng về tác dụng của giả dược đó là, năm 1794 một bác sĩ người Ý – Gerbi, ông điều trị hàng trăm bệnh nhân bị đau nhức răng bằng phân sâu. Trong số các bệnh nhân của ông, 68% cho biết trong vòng một năm họ không còn đau răng nữa. Thực ra, phân sâu không liên quan tới việc chữa đau răng, vấn đề là Gerbi tin rằng chúng có tác dụng và đa số bệnh nhân của ông cũng tin như vậy.

Vào năm 1955, bác sĩ chuyên khoa tim tại Seattle là Leonard Cobb và một số cộng sự đã tiến hành chứng minh hiệu quả của thủ thuật thắt động mạch trong lồng ngực với các bệnh nhân bị đau ngực. Với các bệnh nhân, ông sẽ thực hiện phẫu thuật THẬT đối với một nửa bệnh nhân và GIẢ phẫu thuật (vẫn dùng dao mổ cắt vào thịt bệnh nhân, để lại hai vết rạch và không làm gì khác) với nửa còn lại. Kết quả thật đáng ngạc nhiên, cả hai nhóm bệnh nhân đều có cơn đau ngực giảm xuống trong thời gian ngắn khoảng vài tháng, sau đó sẽ tái phát lại. Và không có thủ thuật nào có thể trực tiếp làm giảm những cơn đau về lâu dài.

Tác dụng ma thuật của giả dược còn được chứng minh trong rất nhiều những điều trị khác nhau trong y học. Hay như việc truyền tai nhau về “Xác ướp Ai Cập” có thể chữa rất nhiều bệnh như động kinh, áp-xe, phát ban, liệt, đau nửa đầu,…

Cơ chế thứ hai hình thành sự kỳ vọng khiến giả dược có tác dụng đó là ĐIỀU KIỆN HÓA. Đây là yếu tố giống như là “phản xạ có điều kiện”.

Cơ thể hình thành các kỳ vọng sau các trải nghiệm lặp lại và giải phóng các hóa chất khác nhau như edorphin và opiate để chuẩn bị cho lần tiếp theo. Chẳng hạn, như khi phụ nữ mang thai, mỗi lần đi tái khám, gặp đúng bác sĩ mình yêu cầu, nằm lên đúng giường bệnh mình từng nằm siêu âm thì mình cảm thấy thật nhẹ nhõm và yên tâm, thậm chí ngay trước khi bác sĩ bắt đầu khám.

Mình nhớ lúc nhỏ, mỗi lần bị đau đầu là mình được người lớn cho uống thuốc Aspirin hoặc Paracetamol, không cần biết nguyên nhân cũng như các triệu chứng đau đầu có khác nhau. Hễ đau đầu là uống ngay Aspirin/Paracetamol, tất nhiên, trong một số trường hợp, sau khi uống xong, một lúc sau sẽ hết nhức đầu. Nhưng nếu như không có thuốc Aspirin/ Paracetamol (có thể là do nhà hết thuốc, chưa mua kịp, có thể là do đi đâu đó mà không tìm được tiệm thuốc…) thì cơn đau đầu dường như càng dữ dội. Mặc dù biết rằng, trong một số trường hợp Aspirin/Paracetamol vẫn có tác dụng thật như giảm đau đầu, nhưng phần lớn mình nghĩ đó cũng là tác dụng của giả dược, vì sau này khi lớn biết được tác dụng phụ cũng như tránh việc lạm dụng thuốc tây, mỗi khi nhức đầu mình không cần dùng đến thuốc nữa thì sau một thời gian mình thấy vẫn ổn.

Giáo sư Dan Ariely, còn làm các thí nghiệm để xem liệu rằng, ngoài 2 yếu tố niềm tin và điều kiện hóa thì yếu tố GIÁ CẢ của thuốc có ảnh hưởng đến phản ứng của chúng ta hay không?

Khi làm thí nghiệm về loại thuốc giảm đau với giá niêm yết là 250$ và giá khuyến mãi chỉ 10 xu, thì theo khảo sát của ông, số khách hàng dùng thuốc theo đúng giá niêm yết cho rằng mức độ giảm đau nhanh hơn và kéo dài thời gian hơn so với khách hàng chỉ mua thuốc này với giá 10 xu.

Nếu nói giả dược làm giảm cơn đau thì nó sẽ làm giảm cơn đau. Cùng một loại thuốc đó, nếu nói tăng cơn đau thì nó sẽ làm tăng cơn đau. Tin rằng giả dược sẽ tốt hơn thì nó sẽ tốt hơn, nếu tin rằng nó không thể thì tác dụng sẽ ngược lại. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hiệu ứng của các giả dược là khác nhau, chẳng hạn như viên thuốc to thì có tác dụng lớn hơn so với viên thuốc nhỏ, 2 viên sẽ tốt hơn 1 viên, viên nhộng sẽ hơn viên nén, thuốc tiêm thì hơn cả viên nhộng, loại đắt tiền sẽ tốt hơn loại rẻ tiền… Khi so sánh chúng với nhau, các giả dược đều không có giá trị y học. Điều đó có nghĩa là nó không nằm trong thành phần làm ra giả dược mà là nằm ở niềm tin chúng ta bỏ vào.

Lúc xưa, khi Bà mình được cho bình dầu miên (chai dầu màu xanh, được sản xuất tại Mỹ), Bà rất quý nó. Mỗi lần đau bụng, đau đầu hay đau chân, Bà mình đều dùng nó để xoa lên người. Mặc dù, trong nhà Ba mình cũng thường hay mua những loại dầu tốt cho Bà dùng, nhưng với Bà bình dầu miên ấy như thuốc tiên vậy. Bà khẳng định chắc nịnh rằng sức dầu miên này vào thì giúp giảm đau nhanh chóng. Có thể dầu miên cũng có tác dụng giảm đau, nhưng việc Bà mình yêu thích loại dầu này và tin rằng nó có thể làm giảm đau mọi triệu chứng khác nhau thì theo lý giải khoa học, khi sử dụng loại dầu này đã kích thích cho sự giải phóng endorphins – chất giảm đau tự nhiên của cơ thể. Chính niềm tin vào giả dược – loại dầu miên này, mà đã giúp Bà cảm thấy dễ chịu mỗi khi bị đau.

Khi nghĩ đến tác dụng của giả dược, mọi người thường cho đó “chỉ là tâm lý”. Nhưng thực tế, sức mạnh của giả dược thật đáng kinh ngạc. Các chuyên gia khẳng định rằng, nó có tác dụng làm giảm mức độ căng thẳng, thay đổi số lần tiết hoocmon, thay đổi hệ miễn dịch…

Tóm lại, chính sự kỳ vọng trong tâm trí của chúng ta tạo ra thuốc, và điều đó thật kỳ lạ đúng không  nào? Nếu giả dược có thể giúp trấn an mọi người, giúp chúng ta khỏe mạnh hơn thì quá tốt. Tuy nhiên, đôi khi giả dược được lạm dụng trong quá trình kê đơn thuốc của bác sĩ hay trong quá trình điều trị giả phẫu thuật nhưng không mang lại kết quả như mong muốn thì vấn đề này cũng còn được tranh cãi bởi tính nhân văn.

Bài này trong danh mục Thân.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *