Đường ruột thường được gọi là “bộ não thứ hai”, được kết nối với gần như mọi cơ quan và hệ thống trong cơ thể con người, nó có thể tạo ra các phản xạ mà không cần đến một mệnh lệnh từ não hay tủy sống.
Trong đường ruột của chúng ta có hàng trăm nghìn vi sinh vật đang sống, bao gồm cả “lợi khuẩn” và “hại khuẩn”. Đường ruột hay hệ tiêu hóa chính là nơi giúp “bẻ nhỏ” thức ăn, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn để nuôi sống cơ thể. Ngoài ra, hơn 70%-80% tế bào miễn dịch của chúng ta nằm trong đường ruột. Do đó, khi đường ruột bị tổn thương, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn bộ cơ thể, cả thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn như: viêm nhiễm, lo âu, căng thẳng, béo phì, táo bón, ung thư,…
Sự cân bằng các vi khuẩn trong đường ruột rất dễ bị phá vỡ, bởi các vi sinh vật là sinh vật hết sức mỏng manh. Chúng rất dễ bị chi phối bởi môi trường. Nếu gặp môi trường thích hợp để sinh sôi thì chúng sẽ tăng lên hàng nghìn, thậm chí là vài trăm triệu con. Nhưng nếu môi trường xấu đi, thì chúng có thể chết hàng loạt. Chính thói quen ăn uống không lành mạnh, lối sống sinh hoạt bừa bãi và môi trường ô nhiễm xung quanh là các nhân tố làm cho các vi sinh vật trong đường ruột bị mất cân bằng.
Các dấu hiệu cho thấy, bạn nên chú ý đến sức khỏe đường ruột, bao gồm:
- Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón…
- Mệt mỏi và khó ngủ
- Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm
- Tâm trạng, lo lắng và trầm cảm
- Các vấn đề về da, như bệnh chàm và mụn trứng cá
- …
Có thể bạn đã gặp một hoặc nhiều triệu chứng này và thậm chí bỏ qua chúng – cách tốt nhất là hãy lắng nghe cơ thể của bạn! Các bước đơn giản sau đây sẽ hỗ trợ rất nhiều cho đường ruột được khỏe mạnh:
- Chế độ ăn uống:
+ Các thực phẩm thúc đẩy vi khuẩn tốt và góp phần tạo nên một hệ vi sinh vật đa dạng, bao gồm các thực phẩm chứa prebiotics và probiotics, thực phẩm toàn phần, giàu chất xơ. Chúng ta nên hạn chế thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều phụ gia…
Mọi người có thể xem lại bài về Hệ vi sinh vật trong đường ruột, để tham khảo thêm về các thực phẩm có chứa prebiotics và probiotics!
+ Uống nhiều nước: giúp làm tăng sự đa dạng vi khuẩn trong ruột. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người uống nước nhiều có ít loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiêu hóa hơn so với những người uống ít nước. Ngoài ra, uống nước cũng giúp ngăn ngừa táo bón, đây cũng là cách đơn giản giúp cho đường ruột được khỏe mạnh. Lưu ý, nước lọc là nước tốt, chứ không phải bia rượu, hoặc nước ngọt…
- Lối sống:
+ Khi nghĩ đến những thứ có hại cho đường ruột, thường chúng ta có xu hướng tập trung vào các loại thực phẩm chúng ta ăn, nhưng một trong những thủ phạm gây hại lớn nhất đến các vi khuẩn đường ruột đó chính là stress- sự căng thẳng. Stress ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa bằng cách ngăn cản hệ thần kinh đối giao cảm – hệ thống báo hiệu cho cơ thể sản xuất ra axit hydrochloric và enzyme tiêu hóa để làm nhỏ thức ăn. Khi stress, cơ thể sẽ tăng cortisol, điều này dẫn đến tăng dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn, đường huyết cao,…
Một số cách để giảm stress, bao gồm: thiền, đi bộ, massage, cười nhiều, thực hành yoga, tập thể dục thường xuyên, kết nối với mọi người xung quanh (gia đình, bạn bè,…) hoặc với thú cưng, kết nối với thiên nhiên,…
+ Ngủ đủ giấc:
Ngủ không đủ giấc, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Khi bạn mệt mỏi vì thiếu ngủ thì dễ dẫn đến việc nghiện hoặc ăn những thức ăn không tốt cho đường ruột như ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chứa chất béo không lành mạnh, nước uống có cồn,…
Ngoài ra, giấc ngủ cũng giúp cho cơ thể và não được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc và học tập. Vì vậy, để có thể được thư giãn, giảm căng thẳng, lo âu, phục hồi năng lượng và giữ cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh, thì các chuyên gia khuyến cáo, giấc ngủ nên được đảm bảo khoảng từ 6-8 giờ/ngày.
Hãy giữ cho đường ruột được cân bằng, thì cơ thể chúng ta mới khỏe mạnh được bạn nhé! ^^