Bạn có biết rằng nhiều quá trình trong cơ thể hoạt động theo chu kỳ 24 giờ? Chu kỳ này được gọi là nhịp sinh học. Nhịp sinh học chính là những thay đổi về thể chất, tinh thần và hành vi theo chu kỳ 24 giờ. Các quá trình tự nhiên này phản ứng chủ yếu với ánh sáng (ban ngày) và bóng tối (ban đêm). Một trong những nhịp sinh học quan trọng nhất đó là chu kỳ ngủ – thức trong vòng 24 giờ.
Nhịp sinh học này tồn tại trong hầu hết các sinh vật sống bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật. Chẳng hạn như chúng giúp hoa nở và tàn đúng thời điểm, giúp cho những loài vật đi kiếm ăn vào ban đêm rời khỏi hang khi trời nhá nhem tối và trú ẩn vào ban ngày để tránh những loài động vật ăn thịt khác,… Với con người thì nhịp sinh học này kiểm soát các chức năng quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn như sản xuất hormone và điều chỉnh giấc ngủ – thức dậy… Ở các độ tuổi khác nhau thì nhịp sinh học cũng khác nhau.
* Nhịp sinh học ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Nhịp sinh học có thể ảnh hưởng đến các chức năng khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Sản xuất hormone và điều chỉnh hoạt động của các tế bào trong cơ thể
Với chu kỳ ngủ và thức thì vào ban ngày, khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, khiến cho đồng hồ sinh học trong cơ thể gửi các tín hiệu tạo ra sự tỉnh táo như việc sản xuất ra hormone cortisol làm cho chúng ta tỉnh táo và năng động. Khi màn đêm buông xuống, cơ thể sản xuất hormone melatonin – giúp ta cảm thấy buồn ngủ và ngủ ngon suốt cả đêm.
Ngoài ra, các tế bào trong não cũng sẽ phản ứng với ánh sáng và bóng tối. Đôi mắt nắm bắt những thay đổi như vậy trong môi trường và sau đó gửi tín hiệu đến các tế bào khác nhau về thời điểm bạn nên đi ngủ hoặc thức dậy.
Bằng cách này, nhịp sinh học giúp chúng ta điều chỉnh chỉnh giấc ngủ và sự tỉnh táo giữa ngày và đêm để tạo ra một chu kỳ phục hồi ổn định.
- Thói quen ăn uống và hoạt động tiêu hóa:
Một số nghiên cứu cũng chỉ rằng: nhịp sinh học cũng ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và cân nặng thông qua việc điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol. Ở các thời điểm khác nhau trong ngày, thì tốc độ của hoạt động trao đổi chất cũng khác nhau.
- Nhiệt độ cơ thể:
Nhịp sinh học cũng ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể: nhiệt độ cơ thể giảm khi bạn ngủ và tăng lên khi thức.
* Điều gì xảy ra khi nhịp sinh học bị gián đoạn?
Khi nhịp sinh học bị gián đoạn, điều đó có nghĩa là các hệ thống của cơ thể không hoat động tối ưu.
Nhịp sinh học khi ngủ – thức bị xáo trộn có thể làm phát sinh những vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ như là ngủ nông kém chất lượng, hay thức giấc vào ban đêm và khó đi vào giấc ngủ lại được, cuối cùng dẫn đến tình trạng mất ngủ và đặc biệt, gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Ngoài ra, sự gián đoạn nhịp sinh học có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì, rối loạn tâm trạng, trầm cảm, mất trí và ung thư…
* Điều gì gây ra sự gián đoạn nhịp sinh học?
Rối loạn Jet lag: điều này xảy ra khi mọi người di chuyển vượt qua nhiều múi giờ trong thời gian ngắn chẳng hạn như chuyến bay xuyên lục địa, khiến cho nhịp sinh học bị gián đoạn, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, khó ngủ.
Công việc theo ca: công việc yêu cầu mọi người làm việc suốt đêm, và ngủ vào ban ngày. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người thường xuyên làm ca đêm sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những người làm việc bình thường (làm ban ngày, nghỉ ngơi ban đêm). Ngoài ra, chính việc gián đoạn nhịp sinh học này khiến cho hoạt động tiêu hóa, trao đổi chất,… bị rối loạn dẫn đến thèm ăn, tăng cân, béo phì.
Rối loạn giấc ngủ: có những người thức quá khuya – hay được gọi là “cú đêm” hoặc những người thức dậy quá sớm cũng làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học.
Ánh sáng nhân tạo: các ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, ipad,.. cũng ảnh hưởng đến nhịp sinh học, vì thế nó thường dẫn đến chứng khó ngủ hoặc mất ngủ vào ban đêm.
Các yếu tố khác như là bị căng thẳng, lo âu, sức khỏe tinh thần sa sút… Ngoài ra, những người bị mù, bị bệnh về não,… cũng ảnh hưởng đến sự gián đoạn nhịp sinh học này.
* Làm thế nào để duy trì nhịp sinh học lành mạnh?
Mặc dù chúng ta không có thể kiểm soát toàn bộ nhịp sinh học của mình, nhưng có những cách để chúng ta có được giấc ngủ ngon (mọi người có thể đọc lại bài viết trước của mình về “7 cách giúp bạn có giấc ngủ ngon”), từ đó giúp cơ thể thực hiện tốt chu kỳ 24 giờ.
Các bước cải thiện về giấc ngủ có thể là một phần quan trong việc hỗ trợ nhịp sinh học lành mạnh. Nếu bạn gặp các vấn đề về giấc ngủ thì nên gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.
Tóm lại, nhịp sinh học là cách tự nhiên của cơ thể để duy trì đồng hồ sinh học sơ thể 24 giờ, giúp cơ thể bạn hoạt động theo một lịch trình ngủ – thức lành mạnh. Vì vậy, sống một lối sống lành mạnh, năng động đồng thời cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý theo đúng nhịp sinh học thì cơ thể chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn.