Đầu tiên, chúng ta cần hiểu định nghĩa đa nhiệm là gì?
Đa nhiệm tức là một người thực hiện đồng thời nhiều công việc/nhiệm vụ khác nhau hoặc đổi qua đổi lại giữa các công việc/nhiệm vụ ấy trong cùng 1 lúc.
Chẳng hạn, các bạn nhỏ vừa làm xem ti vi, vừa làm bài tập về nhà, người lớn chúng ta vừa xem điện thoại vừa trông con, hay vừa làm việc và vừa buôn chuyện đủ thứ trên đời,…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta không thể làm việc đa nhiệm, bạn chỉ có thể tập trung một thứ tại một thời điểm. Nếu như bạn chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, bạn đang lãng phí thời gian, năng lượng tinh thần và sẽ không đạt hiệu quả trong bất kỳ nhiệm vụ nào mà bạn đang làm chúng trong cùng một lúc. Về mặt sinh học, chúng ta cũng không thể xử lý nhiều thông tin đầu vào cùng một lúc được.
Để làm rõ hơn điều này, các bạn hãy cùng mình khám phá về hoạt động bộ não nhé!
Theo tiến sĩ Barbara Oakley và Sejnowski, bộ não của chúng ta sử dụng hai hệ thống khác nhau để lưu trữ thông tin đó là: trí nhớ làm việc và trí nhớ dài hạn.
+ Trí nhớ làm việc: nhỏ, chứa ít thông tin hơn và phần lớn nằm ở phần võ não trước trán, ngay phía trên mắt.
+ Trí nhớ dài hạn: lưu trữ nhiều thông tin hơn, nằm ở rải rác khắp bộ não.
Bạn có thể tưởng tượng rằng, trong trí nhớ làm việc này có 1 con bạch tuộc, nó có bốn xúc tu dùng để lưu trữ thông tin và đồng thời nó cũng giúp chúng ta xử lý thông tin ngay hiện tại. Việc chỉ có bốn xúc tu giải thích tại sao trí nhớ làm việc của chúng ta chỉ giữ được một lượng thông tin giới hạn.
Quay trở lại ví dụ trên, vừa xem ti vi vừa học bài nhé! Giả sử bạn bật ti vi lên rồi để đấy, dù không chủ tâm, nhưng một xúc tu của con bạch tuộc phải nghe những âm thanh từ ti vi, vậy chỉ còn 3 cái xúc tu để làm nhiệm vụ học tập. Vậy, theo bạn liệu có hiệu quả bằng việc con bạch tuộc tập trung hoàn toàn 4 xúc tu của mình cho việc học?
Một ví dụ khác, khi bạn đang tập trung làm việc, thì một đồng nghiệp khác đến hỏi bạn một vài thông tin không liên quan, lúc này con bạch tuộc của bạn buộc phải buông một số liên kết não bộ về công việc mà bạn đang tập trung giải quyết để chộp lấy thông tin mà người đồng nghiệp kia đến nói. Khi người đồng nghiệp kia đi khỏi, con bạch tuộc của bạn sẽ quay trở lại nhiệm vụ tập trung lúc ban đầu. Bạn có đang thấy nó rất mệt mỏi không?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, một người bị cắt ngang khi họ đang làm 1 công việc gì đó thì sẽ mất nhiều hơn 50% thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ vậy, tỷ lệ mắc lỗi của người này còn tăng thêm 50% nữa.
Thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn do người lái xe đang vừa lái xe, vừa nghe điện thoại. Một nghiên cứu cũng cho thấy chỉ đơn thuần với tay lấy một đồ vật khi đang lái xe cũng làm tăng gấp 9 lần hiểm họa đụng xe hoặc suýt đụng xe.
Với cuộc sống hàng ngày, thì bản thân mình thì rất ít khi làm việc đa nhiệm. Trong một số trường hợp, mình có thể làm 2 nhiệm vụ nhẹ nhàng cùng 1 lúc như là: khi phơi quần áo, mình mở podcast yêu thích lên để nghe, khi dạo bộ thì mình có thể trò chuyện hoặc vui đùa cùng các con. Nhưng có một số công việc khác, mình cần tập trung như là làm việc, học tập, viết lách,… thì mình không thể nào làm thêm một nhiệm vụ nào được nữa.
Ngược lại, có một số người có thể thực hiện đa nhiệm trong một số trường hợp như là khi làm việc hoặc học tập, họ có thể mở nhạc nhẹ hoặc nhạc không lời để làm việc/học tập đỡ buồn chán và tập trung hơn. Nhưng với mình, thì dù có nhạc không lời cũng chịu, chắc già rồi, nên cần sự yên tĩnh chăng?!? Hii… Nhưng các bạn cũng có thể thử, biết đâu lại phù hợp với mình!
Tóm lại, con người chúng ta luôn có giới hạn về số lượng công việc có thể xử lý tại một thời điểm trong trí nhớ làm việc, vì vậy hãy tránh bị sao lãng và nhảy hết từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Tập trung toàn tâm toàn ý vào một công việc/nhiệm vụ tại một thời điểm, bạn sẽ đạt được hiệu năng tối ưu của công việc/nhiệm vụ đó.
Sau đây là các câu hỏi mở rộng để các bạn suy ngẫm thêm nhé!
- Liệu cuộc nói chuyện giữa bạn và những người thân hay bạn bè có thực sự kết nối khi bạn vừa nói chuyện vừa dùng điện thoại?
- Bạn có cảm thấy vui khi con bạn ăn hết tô cơm nhưng phải vừa ăn vừa xem điện thoại hoặc ti vi? Cái này còn liên quan đến dạ dày, đến hệ tiêu hóa của trẻ nữa nha! (thôi không huyên thuyên chỗ này, không thì bị lạc đề mất! Riêng chủ đề này, mình cũng có thể viết thành 1 bài rồi cơ! Ahihi).
- Bạn có thấy hợp lý, khi các công ty có quy định không cho nhân viên truy cập Mạng xã hội (như facebook, Instagram,…) trong giờ làm việc, hoặc có khi các công ty còn cắt đường truyền vào các trang báo mạng hoặc MXH để nhân viên không thể truy cập được?
Hy vọng, bạn đã có câu trả lời phù hợp cho bản thân mình! ^^