Làm Gì Khi Bị Ghét?

256 lượt xem

Hôm trước mình có nghe chị kia chia sẻ rằng, trên cơ quan chị bị một cô bạn đồng nghiệp thường xuyên công kích nói xấu, đặc biệt là những dịp mỗi lần cơ quan có tổ chức khen thưởng hay phê bình. Mặc dù chị không có làm những điều đó hoặc không đến nỗi bị nói tiếng xấu như vậy, nhưng việc luôn bị công kích chị cảm thấy khó chịu, bất an và chị cũng không biết nên có đối xử với cô bạn đồng nghiệp đó như thế nào cho đúng?

Môi trường công sở là nơi dễ xảy ra những mâu thuẫn, hiểu lầm và ganh ghét nhau bởi vì nó liên quan đến lợi ích cá nhân nhiều. Bản thân mình cũng đã từng bị ghét nơi công sở và nó đã ám ảnh mình rất nhiều.

Còn bây giờ, với những điều đơn giản như là: mình khuyên họ nên cho con bú sữa mẹ khi em bé mới chào đời và ít nhất là vài tháng sau đó, hay chỉ đơn giản là mình không ăn mì chính nên nếu ăn muối chấm với cái gì đó cho ngon miệng hơn thì mình chọn ăn chút muối và tiêu thôi, như vậy đó là mình cũng đã bị ghét, bị nói này nói nọ rồi á! hiii..

Thật ra, trong 10 người xung quanh bạn, có 1 đến 2 người không thích hay ghét bạn là chuyện bình thường vì mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người được. Do đó, “Dám bị ghét” cũng có thể coi là một sự thật mình cần chấp nhận và thoải mái với nó.

Vậy thì trong những tình huống với những người không thích mình hay ghét mình, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Sau đây là một vài cách để ứng phó theo kinh nghiệm của bản thân, mời bạn tham khảo hen:

Đầu tiên, rất quan trọng đó là đừng bao giờ cho phép bạn là nạn nhân của việc thích hay không thích, ghét hay không ghét từ người khác:

Khi bạn là nạn nhân của việc ghét từ người khác thì bạn sẽ luôn cảm thấy áy náy, khó chịu, luôn dằn vặt bản thân mình, luôn hỏi tại sao họ lại đối xử với mình như vậy, luôn cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ giỏi, và suốt ngày bạn bị ám ảnh bởi những thái độ, những hành vi của người ấy dành cho mình. Cuối cùng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.

Trước đây, trong một mối quan hệ thân thiết mình đã từng như vậy, mình đã từng luôn đặt câu hỏi tại sao mình đối xử tốt với họ như vậy, nhưng họ lại luôn đặt điều nói xấu mình với người khác? Mình càng cố làm hài lòng họ, thì họ càng được bước lấn tới. Nhưng sau này khi biết yêu bản thân mình hơn thì mình đã không còn dằn vặt bản thân nữa. Mình đã thực hành được việc buông bỏ về thái độ của người đó đối với mình, mình chả cần có bất cứ hành động hay phản ứng nào nữa cả, và cứ như vậy, giờ người đó có thích hay ghét mình nữa thì mình cũng chẳng quan tâm.

Thứ hai, hiểu mình – hiểu người – và chia sẻ cùng nhau để hòa giải mối quan hệ:

Đầu tiên, hãy suy ngẫm lại bản thân của mình đã có làm điều gì đó chưa đúng hoặc chưa phù hợp với người đã ghét mình hay không?! Đôi khi, bạn đã vô tình làm tổn thương đến họ, ảnh hưởng đến họ nhưng bạn không biết, từ đó họ mới có thái độ không thích hay ghét mình như vậy. Việc nhìn nhận lại bản thân cũng là cách để rèn luyện khả năng giao tiếp của bạn được tốt hơn.

Chẳng hạn, trong các cuộc trò chuyện giữa các bà mẹ về con cái, đôi khi bạn khoe rằng con mình vừa đạt được giải thưởng này, đạt được khen thưởng nọ, thì đôi khi vô tình những người mẹ khác không có con học xuất sắc như vậy họ cảm thấy không thích hoặc sẽ trở nên ghét bạn.

Ngoài ra, hãy tìm hiểu xem đằng sau của việc ghét bạn như vậy thì người đó mong muốn điều gì? Hay họ đang phải trải qua vấn đề khó khăn nào?… Khi thấu hiểu được lý do tại sao họ ghét bạn thì bạn sẽ thông cảm hơn và có cái nhìn lạc quan hơn về mối quan hệ của hai người.

Ví dụ, bạn được Sếp khen trong cuộc họp vừa qua, điều này sẽ khiến một số đồng nghiệp khác không thích hoặc sẽ ghét bạn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu rằng người ghét bạn họ cũng chỉ mong muốn được Sếp công nhận vì những nổ lực của họ trong công việc thì bạn cũng sẽ thông cảm với họ hơn.

Sau khi suy ngẫm về chính bản thân mình và hiểu lý do đằng sau họ không thích hay ghét bạn thì bạn và người đó nên có cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở cùng nhau để giải quyết những hiểu lầm, những khúc mắc nếu có giữa hai người.

Thứ ba, nếu sau tất cả những nổ lực hòa giải, giải thích các kiểu nhưng người kia vẫn không thích bạn thì đã đến lúc bạn nên đặt ranh giới cho mối quan hệ này. Bạn có thể tránh xa, ít tiếp xúc với người kia càng nhiều càng tốt để cảm xúc cũng như tinh thần của mình không bị ảnh hưởng bởi thái độ của họ. Nếu vẫn là mối quan hệ gặp gỡ hàng ngày do công việc hay hoàn cảnh thì bạn chỉ nên trao đổi với người đó khi cần là được.

Cuối cùng, hãy học cách buông bỏ bạn nhé! Bởi chỉ có buông xả mới giúp bạn giải thoát những suy nghĩ tiêu cực về mối quan hệ đó. Ở đây, bạn không cần quan tâm đến thái độ của họ đối với mình nữa, không cần phải phản ứng lại bất kỳ hành động hay suy nghĩ nào cả, bạn coi như không có chuyện gì xảy ra. Bạn vẫn đối xử với họ một cách tử tế và yêu thương thì lâu dần họ sẽ không còn ghét bạn nữa.

Mình biết là cách cuối cùng rất khó, nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản chút nào! Nhưng có câu nói rằng: “Sẽ không ai đối xử tệ với bạn quá lâu khi bạn thường xuyên yêu thương họ”. Vì vậy, hãy cứ sống tử tế và yêu thương với mọi người xung quanh thì các mối quan hệ sẽ được cải thiện và trở nên tích cực hơn.

Tóm lại, bạn không thể kiểm soát hết những điều người khác nghĩ về bạn, nhưng bạn đừng bao giờ cho phép mình là nạn nhân của những thái độ đối xử không thích hoặc ghét của người khác. Hy vọng, bài viết này có thể cho bạn một số giải pháp để đáp lại thái độ ghét của người khác và chúc cho mỗi chúng ta sẽ luôn có thật nhiều người yêu thương xung quanh mình!

Bài này trong danh mục Tâm.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *