Hình Ảnh Bản Thân (Self-Image)

1.2K lượt xem

Cách chúng ta nhìn nhận bản thân là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Nó xác định cách chúng ta đối xử với bản thân, cách chúng ta điều hướng các mối quan hệ với người khác và nổ lực mà chúng ta sẵn sàng bỏ ra để đạt được mục tiêu của mình.  Tuy nhiên, hình ảnh bản thân của chúng ta không phải lúc nào cũng chính xác và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một số yếu tố. Tìm hiểu về hình ảnh bản thân có thể là một bước quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ của chúng ta với bản thân và thế giới xung quanh.

  1. Hình ảnh bản thân là gì?

Nhiều người cho rằng hình ảnh bản thân là những gì bạn nhìn thấy chính mình khi soi gương. Tuy nhiên, hình ảnh bản thân còn sâu xa hơn thế nhiều, đó là sự đề cập đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân ở cấp độ toàn diện hơn, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Hình ảnh bản thân có thể được định nghĩa là nhận thức của một người về bản thân, bao gồm ngoại hình, tính cách và đặc điểm của họ (Morin & Racy, 2021). Đó là cách mà một các nhân nhìn nhận và đánh giá bản thân, và nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như văn hóa, gia đình, bạn bè và trải nghiệm cá nhân (Taylor & Brown, 1988).

  1. Tại sao hình ảnh bản thân lại quan trọng?

Hình ảnh về bản thân rất quan trọng vì nó có tác động đáng kể đến lòng tự trọng và giá trị của bản thân một người. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi và quá trình ra quyết định của một cá nhân, cũng như mối quan hệ của họ với người khác.

Theo một đánh giá được công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội (Baumeister et al., 1989), những người có hình ảnh tích cực về bản thân thường có mức độ tự tin và lòng tự trọng cao hơn, và họ thường thành công hơn trong công việc và cuộc sống. Mặt khác, những người có hình ảnh tiêu cực về bản thân thì họ sẽ có lòng tự trọng thấp, nghi ngờ về khả năng và ý tưởng của họ, dễ bị lo lắng và trầm cảm hơn (Beck, 1967). Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng hình ảnh bản thân có thể đóng một vai trò trong hạnh phúc tổng thể của một cá nhân (Taylor & Brown, 1988). Do đó, điều quan trọng là các cá nhân cần có được hình ảnh bản thân lành mạnh và cân bằng nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.

  1. Các vấn đề về hình ảnh bản thân:

Các vấn đề về hình ảnh bản thân đề cập đến những nhận thức tiêu cực hoặc méo mó mà một cá nhân có về bản thân họ, bao gồm cả ngoại hình, tính cách và đặc điểm của họ.

Các vấn đề về hình ảnh bản thân có thể do nhiều yếu tố gây ra, chẳng hạn như chấn thương hoặc lạm dụng trong quá khứ, thông điệp xã hội tiêu cực và kỳ vọng về văn hóa cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ gia đình và bạn bè. Những vấn đề này cũng có thể được duy trì bởi các cơ chế đối phó không lành mạnh, chẳng hạn như hành vi trốn tránh hoặc tự hủy hoại bản thân (Beck, 1967).

Có một hội chứng rối loạn về hình ảnh bản thân, nghĩa là bạn có quan điểm bản thân không dựa trên thực tế. Ví dụ: có khi bạn nghĩ rằng bạn gầy hoặc mập hơn so với thực tế. Nhưng khi hình ảnh bản thân mà bạn ghi nhận quá xa rời thực tế, điều đó có thể gây ra vấn đề về cảm xúc và tâm lý.

Chứng rối loạn này được gọi là rối loạn dị hình cơ thể (BDD), theo Hiệp hội lo âu và trầm cảm Hoa Kỳ: “BDD là một chứng rối loạn hình ảnh cơ thể được đặc trưng bởi những mối bận tâm dai dẳng và xâm phạm về một khiếm khuyết nhỏ hoặc tưởng tượng về ngoại hình của một người.”

Mỗi người chúng ta đều đã từng không yêu thích về một bộ phận gì đó trên cơ thể hoặc chúng ta ước mình có thể thay đổi. Tuy nhiên, với những người bị hội chứng BDD thì họ luôn bị mắc kẹt trong trạng thái tâm trí tiêu cực khi nhắc đến hình ảnh bản thân.

Theo ADAA thì “Những người mắc chứng BDD có thể không thích bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể họ, mặc dù họ thường thấy có lỗi với tóc, da, mũi, ngực hoặc bụng. Trên thực tế, một khiếm khuyết nhận thức được có thể chỉ là một điểm không hoàn hảo nhỏ hoặc không tồn tại.”

Các vấn đề về hình ảnh bản thân có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể của một cá nhân. Điều quan trọng đối với những cá nhân đang đấu tranh với các vấn đề về hình ảnh bản thân là tìm kiếm sự hỗ trợ và tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp nếu cần thiết để giải quyết và khắc phục những vấn đề này.

  1. Các yếu tố và khía cạnh của hình ảnh bản thân:

Theo Suzaan Oltman, 2014 đưa ra các yếu tố và khía cạnh của hình ảnh bản thân như sau:

3 yếu tố của hình ảnh bản thân một người là:

  • Cách một người nhận thức hoặc nghĩ về họ.
  • Cách một người diễn giải nhận thức của người khác (hoặc những gì anh ta nghĩ người khác nghĩ) về mình.
  • Cách một người muốn trở thành (con người lý tưởng của họ).

6 khía cạnh hình ảnh bản thân của một người là:

  • Khía cạnh vật lý: cách một người đánh giá ngoại hình của mình
  • Khía cạnh tâm lý: cách một người đánh giá tính cách của mình
  • Khía cạnh trí tuệ: cách một người đánh giá trí thông minh của mình
  • Khía cạnh kỹ năng: cách một người đánh giá các kỹ năng về xã hội và kỹ thuật của mình
  • Khía cạnh đạo đức: cách một người đánh giá các giá trị và nguyên tắc của mình
  • Khía cạnh tình dục: cách một người cảm thấy mình phù hợp với chuẩn mực nam tính/nữ tính của xã hội.

Một số ví dụ về hình ảnh bản thân tích cực và tiêu cực:

Hình ảnh bản thân tích cực là có cái nhìn tốt về bản thân, chẳng hạn:

  • Thấy mình là một người hấp dẫn, đáng mơ ước
  • Thấy mình là một người thông minh, đầy tự tin
  • Khi nhìn vào gương, thấy mình là một người khỏe mạnh, hạnh phúc.
  • Tin rằng, mình cũng gần giống với phiên bản lý tưởng của chính mình.
  • Nghĩ rằng, mọi người cũng nghĩ về mình như mình đang nghĩ tích cực về hình ảnh bản thân.

Ngược lại, hình ảnh bản thân tiêu cực thì có cái nhìn không tốt về bản thân, chẳng hạn:

  • Thấy mình không hấp dẫn, không như mình mong muốn
  • Thấy mình không được giỏi giang, không thông minh
  • Thấy mình không được khỏe mạnh, không được hạnh phúc
  • Tin rằng, mình không gần với phiên bản lý tưởng của chính mình
  • Nghĩ rằng, người khác cũng nghĩ mình như mình nghĩ tiêu cực về bản thân mình vậy.
  1. Một số cách cải thiện về hình ảnh bản thân:
  • Thực hành lòng từ bi (lòng trắc ẩn) với bản thân: theo nghiên cứu, lòng từ bi đối với bản thân hoặc khả năng tử tế và thấu hiểu bản thân có liên quan đến mức độ tự tin và hạnh phúc cao hơn. Cố gắng nói chuyện với chính mình bằng sự tử tế và thấu hiểu, đồng thời nhắc nhở bản thân rằng ai cũng mắc sai lầm và có khuyết điểm.
  • Tập trung vào điểm mạnh của bạn: Thay vì tập trung vào điểm yếu hoặc khuyết điểm mà bạn nhận thấy, hãy cố gắng tìm ra điểm mạnh và thành tích của bạn. Việc áp dụng một quan điểm trong đó điểm mạnh và đức tính của bạn là trung tâm có thể cải thiện hình ảnh bản thân và sức khỏe tổng thể của bạn (Peterson & Seligman, 2004).
  • Kết nối với những người tích cực: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xung quanh chúng ta có thể có tác động đáng kể đến hình ảnh bản thân của chúng ta (Arslan, 2009). Cố gắng bao quanh bạn với những người luôn ủng hộ và tích cực, đồng thời hạn chế thời gian của bạn với những người hay chỉ trích hoặc tiêu cực.
  • Tham gia vào các hoạt động nâng cao lòng tự trọng: Tham gia vào các hoạt động mà bạn yêu thích và giỏi có thể nâng cao lòng tự trọng và cải thiện hình ảnh của bạn (McKay & Fanning, 2016). Hãy thử những điều mới và theo đuổi sở thích của bạn, và đừng ngại đương đầu với thử thách.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia: Nếu bạn đang đấu tranh với hình ảnh bản thân tiêu cực hoặc lòng tự trọng thấp, có thể hữu ích khi tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia sức khỏe như huấn luyện viên sức khỏe (Health Coach), hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một nhà trị liệu có thể giúp bạn cải thiện hình ảnh bản thân và đối phó với bất kỳ vấn đề cơ bản nào có thể góp phần hình thành nhận thức tiêu cực về bản thân.

Với bản thân mình, đôi khi vô tình cũng hay nói về hình ảnh bản thân như dạo này mình hơi gầy hơn trước, hoặc mình không được lanh lợi như người khác… Nhưng khi đã hiểu được tầm ảnh hưởng của hình ảnh bản thân đối với nhận thức cũng như hành vi của một người, thì mình ít khi dùng những lời tiêu cực để nói về bản thân. Hoặc nếu trong các cuộc trò chuyện với bạn bè thân mật, mình có thể chia sẻ nhưng dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, tử tế với bản thân mình hơn.

Mỗi người sinh ra, đều mang đến giá trị gì đó cho đời sống này, vì vậy, hãy tập trung vào những điều bạn làm được thay vì tập trung vào những khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể, để từ đó mình có thể tự tin hơn, yêu đời hơn, có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn.

Tham khảo:

https://www.simplypsychology.org/self-image.html

https://positivepsychology.com/self-image/

https://www.berkeleywellbeing.com/self-image.html

Baumeister, R. F., Tice, D. M., & Hutton, D. G. (1989). Self-presentational motivations and personality differences in self-esteem. Journal of Personality and Social Psychology, 56(3), 541-548.

Taylor, S. E., & Brown, J. D. (1988). Illusion and well-being: A social psychological perspective on mental health. Psychological Bulletin, 103(2), 193-210.

 

 

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *