Hành trình bắt đầu yêu sách của mình:
Khi còn nhỏ mình không có đọc truyện tranh hay truyện gì ngoài những quyển sách giáo khoa cả. Mình nhớ, trường cấp 1 của mình cũng có thư viện nhưng mình chưa hề mượn lần nào vì phần không có thói quen đọc sách hay có ai hướng dẫn để đọc sách cả, một phần vì khi mượn sách cũng phải đóng tiền đặt cọc, số tiền ít thôi nhưng nhà mình lúc đó không có điều kiện nên mình cũng chưa hề mượn sách lần nào.
Lên đến cấp 2, mình cũng chưa biết đọc sách thêm để làm gì ngoài sách giáo khoa, trong đó mình chỉ đọc thêm những cuốn tập làm văn mẫu để viết văn thôi, hiii…. Năm lớp 8 hay lớp 9 gì đó, một anh chồng của bà chị cùng xóm mình hay chơi chung làm việc ở Sài Gòn, gửi về mình một chồng báo Mực tím. Tất nhiên là các tập báo cũ nhưng là số mới nhất khi đó, ôi mình mê mải đọc 1 lèo 2 ngày hết cũng chừng 15-20 cuốn tập báo mực tím mỏng đó. Sau đó, thì lâu lâu mình có ra nhà sách và mua đôi ba lần vài tập báo mực tím nữa là thôi à.
Cũng thời gian này, mình được một người bạn tặng cuốn sách cũ, đã ngã màu vàng nhạt vì bị ướt, chữ lem và mất cả bìa trước và bìa sau của sách… Mình chỉ đọc nội dung còn tên tác phẩm hay tác giả thì chịu, không biết được. Quyển sách gây ấn tượng mạnh với mình vì nó quá hay, những tình tiết nhẹ nhàng, mang chút u sầu,… cuốn sách đã làm mình khóc rất nhiều. Mãi đến sau này khi học Đại học, tình cờ ra nhà sách mình mới phát hiện ra đó là cuốn Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh.
Lên cấp 3, mình đậu vào lớp chuyên Toán của trường, lúc này thì chỉ có biết “cày” kiến thức ở trường là đã hết thời gian rồi.
Khi học đại học cũng thế, mình nhớ mãi thời đó mới ra cuốn truyện “Chạng vạng” là sách rất dày, rất hot mà một số bạn sinh viên thường mang theo ngồi trên giảng đường hoặc đâu đó ngoài sân trường để đọc. Mình cũng lân la, mượn được 1 cuốn về đọc, đó là sách nhiều trang đầu tiên mình đọc được những cũng mất 2-3 tháng mới trả cho bạn thì phải. Ngoài ra, mình bắt đầu đọc nhiều sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hơn, do đọc được cuốn Mắc biếc của tác giả ở trên đó.
Rồi đến khi ra trường đi làm, một năm khoảng 2-3 cuốn sách thôi là dừng, không muốn đọc nhiều. Mình thực sự đọc nhiều sách hơn khoảng 3-5 cuốn, khi bắt đầu mang thai có em bé đầu tiên, lúc đó giống như mọi thứ với mình rất mới, rất lạ, nên mình cần đọc để hiểu hơn về hành trình sinh nở, chăm sóc em bé,…
Nhưng lúc quay lại với công việc, mình bận rộn hơn với những công việc ở công ty và chăm sóc gia đình nhỏ của mình nữa nên việc đọc sách trở nên xa xỉ, không sắp xếp được… Chỉ có thời gian khi đại dịch Covid diễn ra, không đi làm, thời gian ở nhà nhiều hơn, mình mới bắt đầu đọc sách lại cho đến bây giờ.
Trên đây là hành trình “yêu sách” của mình, nó cũng trồi sụt, đầy biến động giống như thời tiết vậy. Nhưng đến bây giờ thì mình đã hình thành được thói quen đọc sách và đó là một trong những hoạt động hàng ngày cũng như niềm say mê, yêu thích của mình.
Phương pháp đọc sách hiệu quả:
Thật ra, với mỗi người khác nhau, sẽ có các phương pháp đọc sách hiệu quả với từng người khác nhau. Bản thân mình, sau khi trải nghiệm 1 vài phương pháp của các chuyên gia nổi tiếng thì mình rút ra được những bài học sau liên quan đến phương pháp đọc sách hiệu quả:
- Hãy thử đọc vài dòng sách khác nhau trước khi bạn rút ra được các dòng sách mà bạn thực sự quan tâm và phù hợp với mục tiêu của bạn. Chẳng hạn, có bạn chỉ thích dòng tiểu thuyết, có bạn thích dòng sách Self-help, hay có người lại thích dòng sách Tâm linh thôi. Dòng sách nào cũng được, miễn là nó phục vụ cho mục tiêu, cho lợi ích của bạn là được, đôi khi sách giúp bạn giải trí thôi cũng đã mang lại lợi ích rồi.
- Với mỗi chủ đề khác nhau, nên đọc nhiều quyển sách ít nhất 3 quyển để mình có những cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Đồng thời phát hiện ra những điểm khuyết hay những ý kiến trái chiều về những vấn đề liên quan đến chủ đề đó.
- Highlight hoặc ghi note lại những câu hay những ý hay, tâm đắc của cuốn sách để sau này, mình xem lại cũng dễ dàng tìm thấy. Khi mới bắt đầu đọc sách, mình giữ gìn sách rất cẩn thận, không highlight, không ghi chú, không gấp,… nhưng sau này, mỗi lần mình tìm vấn đề gì liên quan đến nội dung trong sách thì rất khó khăn, đôi khi còn làm mình thất vọng và không muốn tìm lại nữa. Do đó, bây giờ sách của mình toàn ghi chú, highlight thôi. Tốt nhất vẫn là sau khi đọc xong cuốn sách, mình ghi lại một số ý review của bản thân mình rút ra, như vậy càng giúp mình nhớ lâu hơn về nội dung trong sách.
- Không nên đọc một cuốn sách một lần, tức bạn đặt mục tiêu trong tuần này hoặc tháng này hoàn thành xong cuốn sách A, thì bạn chỉ đọc có mỗi cuốn sách A thôi. Như vậy, rất dễ nhàm chán, mà đôi khi não bạn không được kích hoạt do thiếu đi sự hứng thú. Mình đã từng đọc đâu đó về việc đọc nhiều quyển sách 1 lần rồi. Tức là: thường mình sẽ đọc 2 cuốn sách 1 lần, chẳng hạn mình đặt mục tiêu tuần này phải đọc xong cuốn sách X về chủ đề sức khỏe, thì mình thường gối kèm theo 1 cuốn sách Y chủ đề phát triển bản thân chẳng hạn. Buổi sáng mình đọc 30 phút cuốn sách X thì tối mình đọc 30 phút cuốn sách Y. Hoặc ngày hôm nay cuốn sách X, ngày hôm sau cuốn sách Y, hoặc có khi mỗi tối đọc vài trang cuốn X, vài trang cuốn Y. Mình thấy cách này hiệu quả với mình, nhưng đôi khi sẽ không hiệu quả người khác, bạn thử trải nghiệm nhé!
- Dành thời gian cố định mỗi ngày cho việc đọc sách, đây là một trong những yếu tố giúp duy trì việc đọc sách hàng ngày. Bởi vì, nếu bạn không sắp xếp lịch cho việc đọc sách thì việc khác sẽ cuốn bạn đi. Vì vậy, việc đặt khung giờ đọc sách rất quan trọng.
- Khuyến khích mọi người trong nhà đọc sách cùng: nhà mình có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ, mặc dù thời gian gần đây các bạn nhỏ vừa mới thi nên việc đọc sách bị dừng lại để các bạn tập trung ôn thi và nghỉ ngơi. Tuần này, bắt đầu khuyến khích các bạn nhỏ và chồng đọc sách lại. Khi có nhiều người cùng đọc sách thì mình cũng hứng khởi hơn, chăm đọc sách hơn vì có bạn đồng minh. Sau đó, chia sẻ lại những cuốn sách hay cho mọi người cùng nghe cũng rất thú vị. Đợt trước, mình cho Bin đi xem phim Đất Rừng Phương Nam, xong về bạn yêu cầu mua sách để đọc. Hiện, bạn đang đọc cuốn đó và tóm tắt ý cho mẹ nghe, chứ mẹ cũng chưa đọc sách đó. J
- Cuối cùng, đó là áp dụng, áp dụng, áp dụng. Bởi nó quan trọng nên mình xin nhắc lại 3 lần. Mục đích cuối cùng của việc đọc sách cũng là việc mình rút ra được bài học gì? Điều gì mình có thể áp dụng vào trong công việc, cuộc sống hay nghề nghiệp của mình? Mình áp dụng quy tắc thế này, sau khi đọc xong cuốn sách: mình thường ghi lại những điều tâm đắc và đưa ra 2 điều mình cần thực hiện ngay và 1 điều mình cần lên kế hoạch bỏ ngay. Nếu quyển sách này có nhiều ý hay thì đôi khi mình liệt kê 3-4 điều mình cần thực hiện ngay rồi bắt tay vào thực hiện liền.
Bên cạnh những lợi ích mà sách mang lại, điều mà hầu như ai cũng biết thì có một số điều mình mắc phải khi quá nghiện sách, đó là:
- Tâm lý FOMO – luôn sợ khi mình bỏ lỡ cuốn sách hay nào đó nên thường hay mua nhiều, đôi khi sách mua lần trước chưa đọc xong thì đã đặt thêm vài cuốn mới rồi.
- Thấy ai cho sách hoặc tặng sách miễn phí mình đều xin cả. Nhưng nhìn lại mình cảm thấy hơi xấu hổ và không nên dành những phần quà đó cho mình, mà nên để cho người khác nếu họ cần hơn hoặc chưa có điều kiện để mua.
- Không thể tối giản tủ sách của mình bằng việc chia sẻ sách lại cho người khác được vì mình rất quý, và đôi khi còn đem ra xem đi xem lại một nội dung hay hoặc cần thiết để hỗ trợ công việc của mình.
Nhận ra được những “điểm chưa tốt” liên quan đến sách như vậy, mình đã cố gắng để khắc phục lỗi 1 và 2, riêng lỗi thứ 3 thì chắc cần thời gian sau này xem sao, chứ hiện mình cũng không có ý định tối giản liên quan đến sách. À nhưng mình sẵn sàng mua sách mới để tặng ai đó, trong năm vừa qua mình cũng đã làm được điều này.
Tóm lại, hành trình để yêu sách – đọc sách của mỗi người sẽ khác nhau và để rèn được thói quen đọc sách cũng cần có thời gian và sự nổ lực của bản thân rất lớn. Nhưng qua bài viết này, mình hy vọng mỗi người chúng ta hãy dành thời gian để đọc sách nhằm nuôi dưỡng trí óc và tâm hồn của mình bạn nhé! Harvey Mackay đã có câu nói rất hay là “Cuộc đời chúng ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Mình vẫn luôn tin điều này, bởi vậy mỗi lần đọc sách là một lần mình có cơ hội để SUY NGẪM, để QUAN SÁT chính mình, và cuối cùng là ÁP DỤNG vào trong công việc cũng như cuộc sống của mình.