Có bao giờ bạn cảm thấy hắt hơi, sổ mũi,… khi đứng trước shop hoa?
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao mình bị dị ứng với thức ăn này mà không bị dị ứng với thức ăn kia? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao những người khác trong gia đình bạn vẫn ăn bình thường, nhưng bạn thì không thể ăn thức ăn đấy vì bị dị ứng?
Tại sao khi sống lâu ở nước ngoài, đặc biệt là nước Đức, bạn sẽ bị dị ứng với một chất nào đấy, thường là phấn hoa?
Để trả lời tất cả những câu hỏi trên, mời các bạn đọc bài viết bên dưới về DỊ ỨNG của mình nhé!
==
Dị ứng (Allergy) là một phản ứng của cơ thể với một loại thực phẩm hoặc chất cụ thể nào đó.
Tại sao phản ứng dị ứng xảy ra?
Công việc của hệ thống miễn dịch là giữ cho bạn khỏe mạnh bằng cách chống lại những “kẻ xâm lược” như vi khuẩn, vi rút gây hại. Nó thực hiện điều này bằng cách tấn công bất cứ thứ gì nó nghĩ có thể khiến cơ thể bạn gặp nguy hiểm.
Lần đầu tiên, một người tiếp xúc với chất gây dị ứng, họ thường không bị phản ứng. Hệ thống miễn dịch thường mất thời gian để xây dựng sự nhạy cảm với chất này. Theo thời gian, hệ thống miễn dịch học cách nhận biết và ghi nhớ những chất gây dị ứng này. Khi làm như vậy, nó bắt đầu tạo ra kháng thể. Đây là những protein đưa ra một thông điệp đến các bào: “Hãy dừng chất đó lại”! Sau đó, các tế bào sẽ gửi ra histamine, làm cho mạch máu giãn nở và các chất hóa học khác, những chất này gây ra các triệu chứng dị ứng.
Các kháng thể này là đơn tính, mỗi loại chỉ nhắm vào một loại chất gây dị ứng. Điều đó giải thích tại sao một người nào đó có thể bị ứng với chất A, nhưng không phải với chất B.
Một số bệnh dị ứng là theo mùa. Ví dụ, các triệu chứng sốt cỏ khô có thể đạt đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 5, khi số lượng phấn hoa của cây và cỏ trong không khí cao hơn. Một người có thể gặp phản ứng nghiêm trọng hơn khi số lượng phấn hoa tăng lên.
Chất gây dị ứng (allergens): các chất gây dị ứng phổ biến như là
- Cỏ và phấn hoa (dị ứng này thường được gọi là sốt cỏ khô, viêm mũi dị ứng)
- Lông động vật
- Thực phẩm – đặc biệt là các loại hạt, trái cây, động vật có vỏ, trứng, cá, sữa bò…
- Thuốc
- Latex – được sử dụng để làm găng tay, bao cao su
- Nấm mốc – chúng có thể giải phóng các hạt nhỏ li ti vào không khí mà chúng ta hít vào
- Hóa chất gia dụng – bao gồm các chất tẩy rửa, thuốc nhuộm.
- …
Hầu hết các chất gây dị ứng này thường vô hại đối với những người không bị dị ứng với chúng.
Triệu chứng:
Phản ứng dị ứng gây viêm và kích ứng. Tuy nhiên, các triệu chứng cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại chất gây dị ứng. Ví dụ, phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở ruột, da, đường thở, mắt, mũi,…
- Với bụi và phấn hoa: Sổ mũi, nghẹt mũi; mắt sưng, chảy nước mắt, ngứa mắt; ho.
- Với thức ăn: Nôn mửa; lưỡi sưng tấy, ngứa ran trong miệng; sưng môi, mặt, cổ họng; co thắt dạ dày; khó thở; tiêu chảy…
- Lông động vật, thú cưng: sưng tấy, ngứa da, phát ban, khó thở, chóng mặt, ho…
- Thuốc: Thở khò khè; sưng lưỡi, môi, mặt; phát ban; ngứa; nóng, sốt…
Sốc phản vệ có thể xảy ra nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây dị ứng?
Theo các chuyên gia, những người bị dị ứng thường liên quan đến tiền sử gia đình bị dị ứng, di truyền hoặc mắc các bệnh liên quan mật thiết, chẳng hạn như hen suyễn hoặc chàm.
Số người mắc bệnh dị ứng ngày càng tăng lên hàng năm, theo số liệu thống kê thì có hơn 50 triệu người Mỹ bị phản ứng dị ứng mỗi năm. 1 trong 4 người ở các nước phát triển gặp các triệu chứng của dị ứng. Vấn đề này, không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn là gánh nặng tài chính đáng kể cho hệ thống y tế.
Người ta vẫn chưa hiểu lý do cho điều này, nhưng một trong những lý thuyết chính là kết quả của việc sống trong môi trường sạch hơn, không có vi trùng, điều này làm giảm số lượng vi trùng mà hệ thống miễn dịch của chúng ta phải đối phó. Từ đó, khiến cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với những chất vô hại.
Ngoài ra, cũng có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với trẻ em sinh thường thì khả năng bị dị ứng thấp hơn so với những trẻ em sinh mổ. Vì khi sinh mổ, các bé không tiếp xúc với hệ vi sinh vật của người mẹ trong khi sinh.
Làm thế nào để kiểm soát dị ứng?
Cách tốt nhất để có thể kiểm soát được dị ứng này là hãy tránh xa các chất gây dị ứng bất cứ khi nào có thể.
Chẳng hạn, như bạn bị dị ứng với thức ăn nào đấy, thì trước khi ăn hãy đọc kỹ hoặc tìm hiểu thành phần trong thức ăn ấy. Nếu bạn bị dị ứng với lông thú, thì không nên ôm ấp hay sờ mó chúng,…
Nếu một người tin rằng họ bị dị ứng, thì bác sĩ có thể tìm được nguyên nhân của các phản ứng dị ứng. Đồng thời, bác sĩ sẽ khuyên làm một số xét nghiệm để kiểm tra, chẳng hạn:
- Xét nghiệm máu: đo mức độ của kháng thể IgE đối với các chất gây dị ứng cụ thể trong hệ thống miễn dịch.
- Xét nghiệm chích vào da một lượng nhỏ chất gây dị ứng để kiểm tra xem người đó có bị dị ứng hay không.
- Dùng miếng dán để kiểm tra bệnh chàm,…
Ngoài ra, cũng có một số các loại thuốc được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng như là: antihistamines, decongestants,… Tất cả các xét nghiệm hay thuốc điều trị nếu dùng cần được sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.
Tại sao sống ở Đức lâu dài, bạn thường bị dị ứng? Cụ thể là dị ứng với phấn hoa.
Cơ thể chúng ta thường sẽ quen với môi trường mà ta sinh ra và lớn lên. Điều này, giúp cho hệ thống miễn dịch của chúng ta cũng sẽ không phản ứng lại với những chất “vô hại” xung quanh. Nhưng khi sinh sống ở nước ngoài, thời tiết, khí hậu, môi trường,… thay đổi, có những loại thức ăn, nước uống lạ, các loại phấn hoa,… nếu chúng ta tiếp xúc, thì hệ thống miễn dịch của chúng ta “nhầm tưởng” rằng nó nguy hại đến cơ thể, do đó, nó sẽ bảo vệ cơ thể bằng cách tạo nên những phản ứng dị ứng.
Tại Đức, theo thống kê của Ủy Ban Y Học Môi Trường thuộc Viện Robert Koch (RKI), năm 2018, khoảng 20% tổng số người lớn tại Đức và 26% tổng số trẻ em và thành thiếu niên bị ảnh hưởng bởi ít nhất một bệnh dị ứng, nhưng chỉ có 10% trường hợp được điều trị thích hợp. Trong các loại dị ứng thì tỷ lệ phần trăm mắc bệnh dị ứng với phấn hoa là cao nhất 14,8%.
Phấn hoa gây dị ứng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người trên thế giới đặc biệt là các nước Châu Âu, Canada… Bởi trong thành phần của phấn hoa có chứa những chất như protein, cellulose, pentose, dextrin, phosphore dễ kích thích phản ứng miễn dịch. Năm 2021, đã có một bài nghiên cứu (4) tại Đức chỉ ra rằng hiện nay mùa phấn hoa đang kéo dài hơn và bắt đầu sớm hơn do khủng hoảng khí hậu. Nhiệt độ ấm hơn, khiến cho hoa nở sớm hơn, trong khi mức CO2 cao khiến cho phấn hoa được tạo ra nhiều hơn. Đồng thời, các phấn hoa này tương tác với các chất ô nhiễm không khí khác có thể làm tăng khả năng gây dị ứng phấn hoa.
Tại sao, khi càng sống lâu tại Đức thì mọi người dễ bị dị ứng hay các triệu chứng dị ứng mới bắt đầu xuất hiện? Đó là do, như đã đề cập ở trên, phản ứng dị ứng diễn ra theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn nhạy cảm: hệ thống miễn dịch bắt đầu nhận biết và ghi nhớ chất gây dị ứng, chúng bắt đầu tạo ra kháng thể để chống lại các chất gây dị ứng này. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng phản ứng dị ứng.
Giai đoạn có triệu chứng: trong các lần tiếp xúc tiếp theo với các chất gây dị ứng, chất gây dị ứng liên kết với IgE trên bề mặt của tế bào, khi đó histamine được giải phóng tạo ra các triệu chứng dị ứng (như hắt hơi, ngứa và chảy nước mũi,…).
Để có thể kiểm soát được tình trạng dị ứng thì cách tốt nhất là tránh xa phấn hoa, bằng cách nếu đến mùa hoa nở rộ, thì không nên ra ngoài nhiều, đóng cửa nếu xung quanh có quá nhiều hoa, không nên để hoa trong phòng,… Tuy nhiên, phấn hoa thường bay trong không khí, chúng ta khó mà kiểm soát hết được. Do đó, nếu tình trạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng thì nên gặp bác sĩ để làm các xét nghiệm như đề cập bên trên và được uống thuốc theo chỉ định để giảm các triệu chứng đó.
Nguồn tham khảo:
- https://waojournal.biomedcentral.com/articles/10.1186/s40413-018-0218-z
- https://link.springer.com/article/10.1007/s40629-019-00110-9
- https://patients.eaaci.org
- https://blog.frontiersin.org/2021/02/25/allergy-season-starts-earlier-each-year-due-to-climate-change-and-pollen-transport/
- https://www.nhs.uk/
- https://www.medicalnewstoday.com/