Có bao giờ bạn gặp khó khăn trước nhiều sự lựa chọn?

1.4K lượt xem

Mình phải thú nhận rằng, với mình thì thật sự là khó khăn, tất nhiên là liên quan đến những vấn đề lớn chứ không phải là những vấn đề nhỏ.

Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại gặp khó khăn khi đưa ra quyết định giữa nhiều sự lựa chọn? Tại sao chúng ta lại không toàn tâm toàn ý với lựa chọn của mình?

Chuyện xưa kể rằng: Hạng Võ – tướng nước Sở thời Chiến Quốc, đưa quân vượt sông Dương Tử để đánh quân Tần. Khi đêm xuống, quân nghỉ trên bờ sông. Khi thức dậy, họ hoảng hốt vì thuyền của mình đều bốc cháy, nồi niêu đều bị đập vỡ hết. Sau khi truy lùng thủ phạm, họ phát hiện ra chính Hạng Võ đã làm điều này. Ông giải thích rằng, khi không có nồi niêu, thuyền bè thì họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu tới cùng để giành chiến thắng hoặc bỏ mạng. Thật vậy, quân lính của ông đã giương cao  giáo mác, cung tên, tấn công kịch liệt vào kẻ thù, giành chiến thắng năm trận liên tiếp và tiêu diệt gọn đại quân nhà Tần.

Câu chuyện mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng xét về mặt “lựa chọn” thì câu chuyện đã cho ta thấy quân lính chỉ có 1 lựa chọn duy nhất tại thời điểm đó là chiến đấu tới cùng hoặc bỏ mạng mà thôi.

Ngày nay, cuộc sống của chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn.

Chẳng hạn như khi mua một chiếc ti vi để xem, chúng ta có thể lựa chọn từ rất nhiều hãng, có thể là Samsung, Sony, hay Panasonic,…loại 32 inch, 43 inch, 55 inch… màn hình cong, phẳng, dày, mỏng,… Bạn có thấy khó lựa chọn khi vào siêu thị điện máy không?

Thật ra, bản thân của việc có nhiều lựa chọn không có vấn đề gì cả, đôi khi nó còn tốt vì phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của mọi người, nhưng vấn đề là ở hành vi thông thường của chúng ta – muốn nắm giữ hết các các cơ hội/các lựa chọn. Và việc cân đo đong đếm những tiện ích mà ti vi mang lại cũng khiến cho chúng ta mất nhiều thời gian hơn, và đôi khi chúng ta sẵn sàng chi thêm ngân sách để mua chiếc tivi có nhiều tiện ích hơn mà khi mua về chúng ta còn không sử dụng đến.

Trẻ em ngày nay, cũng tất bật với việc tham gia nhiều lớp học kỹ năng khác nhau như học múa, học đàn, học vẽ, học võ, học bơi…. Bởi các bậc làm cha làm mẹ như chúng ta sợ mất đi cơ hội con được giỏi mọi thứ. Thay vì tạo cơ hội cho con thật sự giỏi một hoạt động nào đó thì chúng ta lại làm lãng phí thời gian và đánh mất tuổi thơ vui chơi hồn nhiên của chúng.

Hàng loạt các thí nghiệm của Giáo sư Dan Ariely, đã chứng minh rằng, chúng ta hầu hết đều không muốn mất đi những cơ hội/lựa chọn. Tuy nhiên, việc nhảy từ lựa chọn này sang lựa chọn khác, làm lãng phí thời gian của chúng ta, đôi khi nó còn không hiệu quả về mặt kinh tế. 

Theo như triết gia Erich Fromm “con người luôn lo lắng không phải bởi họ thiếu cơ hội mà là vì họ có quá nhiều cơ hội”. Và một điều khác thường nữa là chúng ta còn ham muốn theo đuổi những lựa chọn không mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Chẳng hạn như chúng ta mua một món đồ đang có khuyến mãi giảm giá nhưng không bao giờ dùng đến vì bạn biết rằng sau này bạn sẽ không bao giờ được mua với giá đó nữa.

* Tôi cũng đã từng thực hiện hành vi phi lý trí như vậy: đó là việc mua bộ váy dài tay mặc vào mùa đông có giảm giá đặc biệt, nhưng hơn 2 năm qua tôi vẫn chưa từng mặc nó một lần! 🤣🤣🤣

Khi mải mê chạy theo nhiều thứ, chúng ta lại quên dành đủ thời gian cho những việc thật sự quan trọng. Bạn có bao giờ mải miết tìm kiếm cơ hội làm việc này, việc kia để kiếm thêm thu nhập rồi không quan tâm đến sức khỏe của bản thân và chăm sóc gia đình đến khi cơ thể rệu rã, gia đình trục trặc rồi mới dừng lại để giải quyết vấn đề???

Thực ra, làm nhiều việc khác nhau để có thêm thu nhập cũng rất tốt vì đó cũng có thể là lý do để xây dựng gia đình được sung túc hơn, nhưng giá mà ta biết được khi nào thì các khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng, cần chúng ta quan tâm ngay lập tức thì tốt biết mấy!!!

Đây chính là những hành động phi lý trí của chúng ta mà theo Giáo sư Dan Ariely, cách tốt nhất là ta nên chủ động đóng lại một số cánh cửa hay thu hẹp những lựa chọn. Việc này hoàn toàn không dễ dàng. Mỗi ngày, chúng ta thường phải đưa ra quyết định khá nhiều cho các sự lựa chọn, đơn giản nhất là ngày hôm nay ăn gì, mặc gì khi đi làm, nên đi giày nào,.. cho đến những lựa chọn lớn như là ước mơ, sự nghiệp, đối tác hôn nhân…

Giả sử, chúng ta đã đóng nhiều cánh cửa hay thu hẹp những lựa chọn, nhưng khi đứng trước giữa 2 lựa chọn thì đây cũng là một quyết định khó khăn.

Có một câu chuyện vui rằng: một con lừa đang đói bụng tìm đến một kho thóc để tìm kiếm cỏ khô và phát hiện ra có hai đống cỏ khô to bằng nhau ở hai bên của kho thóc. Con lừa đứng giữa hai đống cỏ khô mà không biết nên chọn cái nào để ăn, cuối cùng nó lăn đùng ra chết vì đói.

* Câu chuyện thực tế của tôi cách đây không lâu đó là tôi cần mua một món hàng trên Shoppee và ngày hôm đó là được miễn phí vận chuyển. Sau khi kiểm tra thì tôi chốt lại sẽ đặt hàng tại một trong 2 cửa hàng, hoặc là cửa hàng ở Đà Nẵng, hoặc là ở Đắc Lắc. Tôi cân nhắc bởi những lý do sau:

+ Nếu mua tại cửa hàng ĐN thì hàng không đúng yêu cầu tôi có thể đổi trả dễ dàng hơn, thời gian giao hàng nhanh hơn.

+ Nếu mua ở Đăc Lắc thì tôi nghĩ rằng đây là cửa hàng lớn và hàng chất lượng hơn, nhưng bù lại thời gian giao hàng chắc sẽ chậm hơn so với cửa hàng tại Đà Nẵng.  

Giá cả thì chênh nhau có vài nghìn đồng nên tôi không quan tâm đến giá cả. Tuy nhiên, mãi cân nhắc nên đến khi làm việc khác, tôi quên mất việc cần order. Thế rồi, vài ngày sau, tôi cũng cần phải mua thứ đó, tôi chọn mua ở cửa hàng Đăc Lắc – và lúc này, tôi đã phải trả phí vận chuyển và phí này tất nhiên cao hơn so với việc mua tại cửa hàng ĐN. Vậy đó, chỉ giữa 2 lựa chọn thôi mà tôi vẫn hành động phi lý trí.

Giá như có một lựa chọn thôi thì có lẽ sẽ tốt hơn, con lừa kia không bị chết và tôi cũng không bị mất thêm tiền phí vận chuyển nhỉ!!! Hii…

Bài học mà bản thân tôi rút ra khi đứng trước những lựa chọn đó là:

  • Với những lựa chọn nhỏ như mua thứ gì, nấu món gì, xem phim hay đọc sách…: thì tôi lựa chọn trên tiêu chí càng đơn giản càng tốt, phù hợp với bản thân (phù hợp với phong cách sống, với tài chính hay với thời gian mà tôi có).
  • Với những lựa chọn cho các khía cạnh lớn: như sự nghiệp, tài chính, gia đình, thì tôi cần thời gian nhiều hơn, cần sự tĩnh lặng để suy ngẫm được nhiều, đôi khi tôi cũng cần sự hỗ trợ, tham khảo ý kiến của những người khác,…
  • Và quan trọng nhất, sau khi đã lựa chọn thì tôi enjoy thật sự và chịu hoàn toàn trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Tôi hiểu rằng, bất kỳ lựa chọn nào cũng có đánh đổi và trả giá cả và không phải lựa chọn nào cũng đúng hoặc sai mà chỉ là phù hợp với thời điểm nào đó mà thôi. Thật ra, đây là bài học mà tôi còn phải học dài dài, đặc biệt là khi đưa ra những quyết định cho những lựa chọn lớn của cuộc đời. 

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn nhận ra rằng, không phải lúc nào có nhiều lựa chọn cũng tốt mà đôi khi nó còn dẫn ta đi đến những quyết định sai lầm. Chúc cho mỗi chúng ta sẽ sáng suốt khi đứng trước nhiều sự lựa chọn!  

Bài này trong danh mục Trí.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *