Chứng Rối Loạn Ăn Uống (Eating Disorder)

1.3K lượt xem

Rối loạn ăn uống là bệnh lý nghiêm trọng về tinh thần và thể chất, liên quan đến những hành vi, suy nghĩ và cảm giác về thức ăn, việc ăn uống, hình dáng cơ thể.

Rối loạn ăn uống là những rối loạn phức tạp, có nhiều sắc thái và khác nhau ở mỗi người. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc,… Rối loạn ăn uống khởi phát thường xảy ra ở tuổi vị thành niên hoặc thanh niên. Không có nguyên nhân nào rõ ràng gây nên chứng bệnh này. Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra một số như là yếu tố di truyền, sinh học, hành vi, tâm lý và xã hội… có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống.

Có 3 rối loạn ăn uống chính đó là:

  • Chán ăn tâm thần (Anorexia nervosa): là một rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự giảm cân. Người bị chứng rối loạn này thường cố gắng kiểm soát cân nặng của mình bằng cách ăn kiêng hoặc tập thể dục quá nhiều, hoặc là cả hai. Họ cảm thấy mình không bao giờ đủ gầy, mà thường thấy mình “béo” mặc dù đã giảm cân rất nhiều. Thường thì nữ giới mắc chứng rối loạn này nhiều hơn nam giới.
  • Chứng cuồng ăn (Bulimia Nervosa): được đặc trưng bởi chu kỳ ăn uống quá nhiều trong khoảng thời gian ngắn và sau đó có các hành vi khác để bù đắp cho việc ăn quá nhiều chẳng hạn như nôn mửa,…
  • Rối loạn ăn uống vô độ (Binge eating disorder – BED): đây là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, và có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, được đặc trưng bởi các đợt tái phát khi ăn một lượng lớn thức ăn, thường ăn rất nhanh, đến mức khó chịu, sau đó thì trải qua các cảm giác như xấu hổ, đau khổ hoặc tội lỗi…

Các triệu chứng của rối loạn ăn uống:

Với những chẩn đoán rối loạn ăn uống khác nhau thì những triệu chứng thể hiện cũng khác nhau. Tuy nhiên, một số những triệu chứng sau đây cũng có thể biểu hiện như dấu hiệu cảnh báo

  • Các triệu chứng về cảm xúc & hành vi:

+ Niềm tin hoặc sự lựa chọn thể hiện sự tập trung vào việc giảm cân, ăn kiêng, cách ăn uống…

+ Thay đổi tâm trạng lên xuống thất thường

+Thường xuyên soi gương

+ Giảm giao tiếp xã hội, đặc biệt các cuộc giao tiếp bàn về vấn đề ăn uống.

+ Ăn một mình hoặc giấu thức ăn để ăn

+Bỏ bữa thường xuyên

+ Sợ tăng cân, cảm giác xấu hổ, tự ti về cơ thể.

+ …

  • Các dấu hiệu cảnh báo về thể chất:

+ Cân nặng lên xuống nhanh chóng

+ Táo bón nặng

+ Huyết áp thấp

+ Uể oải, mệt mỏi

+ Da khô, hơi vàng

+ Tóc và móng tay giòn

+ Mất chu kỳ kinh nguyệt

+ Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu

+ Suy giảm chức năng hệ miễn dịch

+ …

Điều trị:

Chẩn đoán chứng rối loạn ăn uống thuộc dạng nào là bước đầu tiên để phục hồi. Bởi vì như đã đề cập, ngoài 3 chứng rối loạn ăn uống chính như trên thì còn một số dạng rối loạn ăn uống khác (như là hội chứng Pica – ăn đá, đất, giấy; hội chứng OSFED;  ARFID…).

Điều trị chứng rối loạn ăn uống thường bao gồm sự kết hợp giữa tư vấn tâm lý và dinh dưỡng, cùng với theo dõi y tế và tâm thần. Trong chứng rối loạn ăn uống này, thì việc tư vấn dinh dưỡng là rất cần thiết và nên kết hợp giáo dục về nhu cầu dinh dưỡng, cũng như lập kế hoạch và theo dõi các lựa chọn hợp lý của từng bệnh nhân.

Có rất nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như Liệu pháp Hành vi nhận thức (CBT), Liệu pháp hành vi biện chứng,…

Theo số liệu thống kê, tại Mỹ có khoảng 20 triệu phụ nữ và 10 triệu đàn ông mắc chứng rối loạn ăn uống vào một thời điểm nào đó trong đời. Theo nghiên cứu, tại các nước Châu Á, thì Nhật Bản có tỷ lệ người bị chứng rối loạn ăn uống là cao nhất, tiếp theo là Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc. Tại Việt Nam, mình chưa thấy số liệu thống kê liên quan, tuy nhiên mọi người cũng đừng nên chủ quan với chứng rối loạn ăn uống này vì nó ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và đời sống xã hội của người mắc bệnh.

Trong giới hạn bài viết này, mình chỉ đề cập sơ qua 3 dạng rối loạn ăn uống chính và các triệu chứng chung. Tuy nhiên, với mỗi chứng rối loạn ăn uống sẽ có những triệu chứng và biểu hiện riêng để dễ dàng nhận biết và có phương pháp điều trị thích hợp. ^^

Bài này trong danh mục Thân.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *