Căn bệnh dán nhãn này không đến từ việc chúng ta ăn gì? Uống gì? Mà nó đến từ tâm trí của chúng ta. Khi chúng ta muốn gắn một “nhãn mác” nào đấy vào một người dựa vào đặc điểm và tính cách của họ. Phần nhiều mang chiều hướng tiêu cực hơn là tích cực.
Với những người lớn với nhau, chúng ta thường hay nhìn những đặc điểm bề ngoài để mà gắn “nhãn”. Chẳng hạn, nhìn những người râu hùm, mắt to thì trong đầu chúng ta dễ dàng nghĩ rằng họ là những người không tốt. Còn nhìn những người mặc quần áo chỉnh tề, sơ mi đóng thùng thì mình cho rằng họ là những người hiền lành, tử tế. Nhưng thực tế chưa hẳn đã như vậy. Hoặc có đôi lần, ta nhìn những cô gái mỗi khi ra đường mặc áo hở hang thì ta khẳng định họ lẳng lơ, còn những cô gái mặc đồ kín cổng cao tường thì ta lại cho rằng họ là những người quê mùa, lạc hậu…
Việc dán nhãn người khác có thể do chính chúng ta nghĩ ra trong một tình huống hoặc hoàn cảnh nào đó trong cuộc sống, và đôi khi nó cũng xuất hiện trong các cuộc nói chuyện phím cùng bạn bè. Bản thân mình cũng từng bị người khác dán nhãn, những cái nhãn cũng độc và lạ lắm.
Cách tốt nhất để không dán nhãn người khác đó chính là chúng ta không nên nhận xét về người đó. Đặc biệt là những người mới lần đầu gặp mặt, hãy học cách hiểu và cảm thông người khác thì dần dần mình cũng sẽ bỏ được việc dán nhãn người khác.
Trong giới hạn bài viết này, mình muốn đề cập đến việc sự nguy hiểm của việc dán nhãn cho chính bản thân mình và việc dán nhãn lên những đứa trẻ.
Bạn có từng nghe thấy những câu nói quen thuộc này trong đầu hay không? “Mình không làm được đâu”, “Mình thật ngu quá nên thất bại là đúng rồi”, “Mình xấu xí lắm nên người yêu bỏ mình là đúng”… Đôi lúc không cố ý, nhưng mỗi lần gặp khó khăn hay thất bại trong cuộc sống, thì những câu nói này cứ vang vang trong đầu chúng ta. Đó là những lời nói từ cha mẹ, từ thầy cô, bạn bè, từ những người xung quanh khi chúng ta còn thơ ấu. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức và đôi khi bản thân mình tự mặc định, dán nhãn cho mình là “không làm được”, là “ngu”, là “xấu”…
Bản thân mình cũng không ngoại lệ, cũng từng ám thị những từ ngữ tiêu cực về mình. Nhưng ngày càng trưởng thành, mình dần buông được những từ ngữ đó ra khỏi đầu. Khi mình sợ hãi không dám làm điều gì vì sợ thất bại thì mình thường nghĩ ngay đến câu chuyện truyền cảm hứng về Thomas Edison. Ông đã thất bại hơn 10.000 lần để phát minh ra bóng đèn, nhưng ông không cho đó là thất bại, “Tôi đã từng thất bại 10.000 lần, và tìm ra 10.000 cách để thành công nhưng không hiệu quả”… Bớt nhìn vào những khuyết điểm của mình như dáng lùn lùn, da ngăm đen, giọng hát dở,.. mà hãy xem đó là những đặc điểm riêng không ai có giống mình, thì tự nhiên mình cũng cảm thấy tự tin hơn nhiều.
Vậy còn với trẻ con thì sao?
Ngày xưa, mình từng nghe người lớn mắng chửi hay hơn hát với những đứa trẻ như này: ngu như bò, lười như heo, lỗ tai trâu, tại mày mà tao mới khổ thế này… Nhưng ngày nay, bố mẹ dường như ít dùng như những từ thô thiển như vậy mà dùng từ ngữ có vẻ “cao siêu” hơn, chẳng hạn như: “con em nó tăng động lắm, quậy suốt không ngồi yên được”, “bạn nhỏ nhà em lười lắm, chỉ biết xem điện thoại, không chịu học hành hay làm giúp việc gì”, “suốt ngày chỉ biết xem tiktok chứ có biết chào hỏi ai đâu”, “nhìn bé A kìa học giỏi, lại còn lễ phép còn con thì chẳng làm được trò trống gì”… Có thật là đứa trẻ không biết làm gì không hay do người lớn chúng ta tự dán nhãn, có thật là đứa trẻ tăng động không khi nó chỉ chạy nhảy để giải phóng bớt năng lượng (năng lượng của đứa trẻ nhiều dữ lắm á!)…
Theo các chuyên gia thì những từ ngữ cả xưa và nay như trên đều liệt kê vào danh sách bạo hành bằng ngôn ngữ. Chính những lời nói “dán nhãn” này sẽ in sâu vào tiềm thức của đứa trẻ. Lúc cuộc đời đang tươi đẹp màu hồng như đỗ đại học, được thăng chức, được nổi tiếng,… thì không sao, nhưng khi rơi vào những tình huống như thi trượt đại học, bị mất việc, bị phá sản thì những từ ngữ bị dán nhãn lúc nhỏ bắt đầu xuất hiện và như khẳng định thêm lý do của những thất bại: “mình đúng là ngu như bò mà”, “mình chẳng làm được trò trống gì thật”…
Não của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh và sẽ liên tục phát triển đến khi 25 tuổi. Việc dán nhãn – tiêm vào đầu trẻ những lời nói tiêu cực về chúng, không những ảnh hưởng đến nhiều vùng não khác nhau mà còn có thể gây tổn thương sâu sắc trong trái tim và tâm lý của trẻ. Chính những sự thay đổi về não bộ và cảm xúc này sẽ ảnh hưởng đến hành vi và tính cách của trẻ khi trưởng thành.
Với bản thân mình, cách để hạn chế dán nhãn cho các bạn nhỏ nhà mình đó là mình thường hay rót mật vào tai các bạn ấy như này: “mẹ tin là Bin sẽ siêng năng học hành hơn”, “mẹ biết Bin rất thương em, nên con đừng chọc em khóc nữa nha”, “Bông của mẹ ngoan lắm, hôm nay chơi xong, con nhớ dọn dẹp đồ chơi vào nhé”, … đại loại như vậy!
Tóm lại, chúng ta bớt dán nhãn một cách tiêu cực cho bản thân mình, thì biết đâu đấy mình có thể khám phá ra khả năng tiềm ẩn của bản thân để mà phát huy. Với trẻ em, thì chúng ta tuyệt đối không nên dán nhãn với những lời nói tiêu cực – là mầm mống cho việc xây nên bức tường đầy tự ti, xấu hổ và mặc cảm của trẻ sau này. Tục ngữ Châu Phi có câu: “It takes a village to raise a child”, để nuôi dưỡng một đứa trẻ thì cần cả làng, cả cộng đồng, hay thậm chí là cả một quốc gia. Do vậy, cũng cần lắm những cái nhìn cảm thông, thấu hiểu trẻ không chỉ từ người thân ông bà, cha mẹ mà còn từ những người hàng xóm, từ thầy cô và bạn bè nữa.