Các Cách Giúp Trẻ Vượt Qua Cơn Giận Dữ

1.5K lượt xem

Giận dữ là một trong những cảm xúc bình thường của con người. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, chúng có thể bị choáng ngợp bởi cảm xúc của mình, và không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Theo định nghĩa của Từ điển Oxford về cảm xúc là “Một cảm giác mạnh mẽ xuất phát từ hoàn cảnh, tâm trạng hoặc mối quan hệ với người khác“. Dù tâm trạng của chúng ta có phong phú như thế nào thì theo tiến sĩ Robert Plutchik có 8 loại cảm xúc cơ bản: vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, chán ghét, giận dữ, ngạc nhiên, hy vọng và tin tưởng.

Giận dữ hay tức giận cũng là một cảm xúc, tuy nhiên có đôi khi lại được nhiều người cho là cảm xúc không tốt, nên thường hay phớt lờ hoặc kìm chế nó. Việc này rất nguy hiểm, vì về lâu dài, chính những cảm xúc tiêu cực này sẽ trở thành những độc tố gây bệnh trên thân-tâm bạn, ngấm ngầm phá hủy các mối quan hệ mà bạn không hề hay biết.

Chẳng hạn như, khi tức giận vợ/chồng về một điều gì bất như ý nhưng bạn chọn cách im lặng, không nói gì hay mỉm cười cho qua, lâu ngày chính những cảm xúc tức giận này sẽ là ngòi nổ cho những “đám cháy” lớn sau này. Nếu như các con đang đối mặt với sự giận dữ/tức giận nhưng bạn không giúp trẻ gọi tên được cảm xúc ấy, mà bạn bắt trẻ không được khóc, không được la hét, … thì lâu dần, cảm xúc này cũng bị dồn nén và sẽ ảnh hưởng đến gan và sức khỏe tinh thần của trẻ.

Trẻ thường tức giận khi bị ai đó ngăn cản không cho làm điều gì, ví như bố mẹ không cho đi chơi…, hoặc trẻ loay hoay mãi làm một việc vẫn không xong, như chơi lắp ghép lego, ban đầu trẻ sẽ chán và dần trở nên tức giận. Đôi khi, trẻ tức giận chỉ bởi mong được sự chú ý của bố mẹ hoặc người khác…

Mọi cảm xúc trong chúng ta đơn giản là một tín hiệu truyền tải thông điệp từ não bộ đến các cơ quan. Kể cả những cảm xúc khó chịu như buồn bã, hay tức giận… Cách để chúng ta hay trẻ giải phóng nguồn năng lượng không tốt khi giận dữ đó chính là hò hét, đập phá hoặc đụng chân tay,…

Vậy, là bố mẹ ta cần hướng dẫn trẻ giải tỏa cảm xúc giận dữ này như thế nào?

Sau đây, mình sẽ chia sẻ một số cách giúp trẻ nhận biết, thể hiện và xoa dịu cơn giận dữ dựa vào cuốn sách dành cho trẻ em “Xin chào cơn giận” của tác giả Anne Crahay và trải nghiệm thực tế với các bạn nhỏ nhà mình.

Đầu tiên, mình giúp trẻ gọi tên cảm xúc này, chẳng hạn như: “À! Mẹ biết con đang rất giận dữ!”, “Mẹ hiểu là con đang rất khó chịu và cảm thấy rất giận đúng không?”…

Trẻ có thể hình dung khi giận dữ là lúc con sư tử đang gầm gào trong mình, con có thể thực hiện những hành động sau đây:

  • Thét lên Grưưư!

Khi gào thét, bé có thể vượt qua sức mạnh khủng khiếp do cảm xúc tức giận này mang đến giống như chú sư tử đang gầm gào vậy. Ngoài ra, bé có thể tìm đến các từ ngữ, đôi khi là chút bậy bạ để diễn tả sự rối rắm trong lòng. Vì thế mà đôi khi, mọi người sẽ thấy trẻ nói những lời không hay hoặc nói tục nữa. Nhưng đó là cách mà bé đang cố gắng diễn tả cảm xúc giận dữ.

Nhớ hồi đợt đi Hàn, mình được anh hướng dẫn viên giới thiệu về thành phố Seoul về đêm rất đẹp, bên cạnh đó, đôi khi du khách sẽ nghe những tiếng la hét tại những khu vực như dưới gầm cầu, hoặc sát bờ sông. Đó là những tiếng la hét của nhân viên văn phòng khi quá tức giận với văn hóa làm việc ở công ty hay bất mãn với Sếp, họ sẽ la hét để giải tỏa cảm xúc dồn nén trong lòng, và đôi khi đó là những tiếng chửi rủa…

  • Vận động phối hợp chân – tay:

Trẻ có thể giậm chân tại chỗ giống như lời một bài hát tiếng AnhIf you’re angry angry angry, stomp your feet, stomp your feet. Trẻ có thể thực hiện cử động phối hợp cả tay nọ, chân kia như vung tay phải cùng chân trái ra phía trước, rồi đến tay trái cùng chân phải. Lặp lại các động tác này vài lần, các cử động này sẽ kích hoạt vùng vận động của tân vỏ não, giúp xoa dịu hệ não rìa vốn bị quá tải mỗi khi cảm xúc bị tích tụ.

  • Chạm vào 2 chỗ gồ lên trên trán:

Trẻ có thể dùng ngón trỏ và ngón giữa của hai bàn tay chạm nhẹ vào chỗ gồ lên trên trán, nằm giữa tóc và lông mày. Khi chạm sẽ kích thích các thùy trán, giúp cho việc tiếp cận với từ ngữ và lời nói trở nên dễ dàng hơn. Khi đấy, đôi khi bé dùng từ ngữ để biểu đạt cảm xúc khó chịu nhưng không nói bậy nhiều.

  • Vẽ:

Khi tức giận, bé có thể giải tỏa cảm xúc này bằng hoạt động vẽ, như là vẽ lên giấy, đất hoặc tường, …, các dụng cụ có thể là bút chì, bút màu, phấn, cây nhỏ,… Vẽ hình đối xứng càng tốt, tức là bé dùng 2 tay để vẽ đối xứng cùng một lần. Sự kết nối hai phía cơ thể, phải và trái sẽ giúp bé nguôi giận, bày tỏ được điều mà trẻ muốn giải thích, ngoài ra nó cũng giúp kích thích khả năng sáng tạo của trẻ.

  • Thở bụng và ngồi yên:

Bé nhắm mắt lại, hít thở bằng bụng trong vòng một phút, lúc này bé sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, thư giãn hơn… Ngoài ra, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ ngồi yên bất cứ khi nào có thể, chỉ ngồi tập trung vào hơi thở, không làm gì cả trong khoảng 1 phút, 2 phút, 5 phút, 10 phút… như vậy, cũng đủ giúp trẻ bình tĩnh hơn trong việc xử lý cảm xúc khi cơn giận dữ đến .

Trên đây là những cách dễ nhất mình chia sẻ và hướng dẫn đến hai bạn nhỏ, tuy nhiên, với mỗi bạn nhỏ khác nhau sẽ có những phản ứng khác nhau. Chẳng hạn, một bạn nhà mình khi tức giận thường hay khóc, dậm chân tại chỗ, nhưng sau khi được mẹ ôm ấp, vỗ về thì một lát sau bạn ấy có thể nguôi ngoa cơn giận của mình. Còn một bạn thể hiện cơn giận thông qua việc la hét và nói tục, nhiều khi những lời nói đó làm mình buồn, nhưng mà mình vẫn chấp nhận và sau đó điều hướng bạn ấy sang những cách vận động khác nhau để giải tỏa cơn tức giận thay vì nói bậy như vậy.

Một điều tối quan trọng là, CÁCH BỐ MẸ THỰC HIỆN NHỮNG HÀNH ĐỘNG KHI GIẬN DỮ CŨNG ẢNH HƯỞNG HOẶC ĐÔI KHI LÀ TẤM GƯƠNG MÀ TRẺ HỌC THEO. Vì thế, khi tức giận bố mẹ phải chú ý đến những lời nói và hành động của mình, đặc biệt là khi có mặt của con trẻ. Hãy cho trẻ hiểu rằng, giận dữ, buồn bã hay vui vẻ… đều là những cảm xúc bình thường, giống như những người bạn đến ghé thăm ta trong khoảng thời gian nào đó rồi sẽ đi thôi.

Chúc cho bạn có thể tìm được cách phù hợp để hướng dẫn các bạn nhỏ làm bạn với những cơn giận dữ nhé!

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *