Bước Vào Năm Mới Với Tâm Thế Lạc Quan (Ứng Dụng Tâm Lý Học Tích Cực)

569 lượt xem

Những ngày cuối năm như thế này là thời điểm lý tưởng để mọi người có thể đánh giá lại một năm đã qua, với những mục tiêu dự định đã thực hiện và cả những điều chưa hoàn thành như mong muốn, đồng thời đây cũng là lúc chúng ta lên kế hoạch, mục tiêu cho năm mới đầy hứng khởi. Một yếu tố quan trọng trong hành trình này của mỗi người đó là tư duy tích cực, trạng thái tinh thần lạc quan để có thể nhìn lại và hướng về tương lai một cách rõ ràng, thông suốt. Bài viết này sẽ khám phá tầm quan trọng của tư duy tích cực và cách áp dụng nó vào để có tâm lý lạc quan cho năm mới, mời mọi người cùng đọc nhé!

  1. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu tâm lý học tích cực là gì và lợi ích mà sự tích cực mang lại:

Tâm lý học tích cực là nghiên cứu về những điểm mạnh, sự hạnh phúc nhằm giúp cá nhân và cộng đồng phát triển. Tâm lý học tích cực hay Tư duy tích cực là một cách tiếp cận tinh thần và tâm lý mà người ta tập trung vào những khía cạnh tích cực, thay vì tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống. Tâm lý học tích cực không chỉ là việc nhìn nhận thế giới xung quanh một cách lạc quan mà còn mang ý nghĩa thể hiện sự linh hoạt trong suy nghĩ và khả năng tìm kiếm giải pháp tích cực cho các thách thức, các vấn đề,… xảy ra trong cuộc sống.

Nhà tâm lý học nổi tiếng ở Mỹ là Martin Seligman, được mệnh danh của cha đẻ của tâm lý học tích cực đã khám phá ra mô hình Perma, bao gồm 5 yếu tố như là: cảm xúc tích cực, sự gắn kết, mối quan hệ tích cực, điều ý nghĩa và thành tựu, để mô tả những yếu tố quan trọng trong cuộc sống tích cực.

Những lợi ích mà tư duy tích cực mang lại:

  • Giúp ta nhìn nhận thách thức như là cơ hội học hỏi thay vì mất niềm tin và năng lượng.
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần: các nghiên cứu chỉ ra rằng, tư duy tích cực giúp cải thiện lo âu, căng thẳng và tăng cường sự lạc quan, cảm xúc tích cực.
  • Tư duy tích cực giúp chúng ta xây dựng lòng kiên nhẫn, sự tự tin và khả năng chịu đựng được những khó khăn.
  • Giúp khám phá những điểm mạnh, những giá trị của bản thân thay vì tập trung vào điểm yếu, những điều tiêu cực…

2. Áp dụng tư duy tích cực vào trong hành trình đánh giá năm cũ và đưa ra những kế hoạch cho năm mới, bằng cách:

  • Khi đánh giá những mục tiêu của năm cũ, không phải ai cũng đều đạt được mục tiêu mình đề ra, lúc này hãy xem xét tại sao mục tiêu này không đạt được hay trong quá trình thực hiện, mục tiêu của mình đã thay đổi hay không. Khi đó, nếu có tư duy tích cực, mình sẽ nhìn nhận những hành động chưa hoàn thiện, những khó khăn mà mình gặp phải như là một bài học, đúc rút kinh nghiệm từ đó sẽ có những hành động cho năm tiếp theo thay vì mất niềm tin ở bản thân, rồi tự dằn vặt mình.
  • Ngược lại, khi đặt mục tiêu năm mới: mình cũng đặt những mục tiêu tích cực, dù biết sẽ có nhiều khó khăn, chông gai nhưng với tư duy tích cực mình sẽ tìm ra được định hướng để phát triển, cũng như rút kinh nghiệm từ những thất bại, học hỏi các kỹ năng mới, tự tin vào bản thân mình để cố gắng đạt được mục tiêu đặt ra.
  • Tạo thói quen tích cực: Học cách nhìn nhận mọi tình huống một cách tích cực, điều gì xãy ra cũng có thể giải quyết được. Đồng thời, hãy tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống, đó cũng là cách giúp mình thu hút những điều tích cực, tốt đẹp về mình.
  • Cảm xúc tích cực: nhà tâm lý học Barbara Fredrickson đã nghiên cứu rất nhiều về chủ đề này, một số cảm xúc tích cực bao gồm: thích thú, hy vọng, truyền cảm hứng, yêu thương, sự tự hào,… Theo nghiên cứu, những ai có cảm xúc tích cực theo tỷ lệ 3:1 so với cảm xúc tiêu cực thì người đó thường lạc quan hơn, hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Vì vậy, hãy cho lựa chọn cho mình những cảm xúc tích cực để tạm biệt năm cũ và hân hoan đón chào năm mới bạn nhé.
  • Xây dựng và duy trì những mối quan hệ tích cực: giao lưu cùng với những người có tâm hồn lạc quan, chia sẻ những niềm vui, khó khăn để tạo ra môi trường tích cực, nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển trong năm mới này.
  • Làm những điều ý nghĩa: Hãy xem lại chuỗi những mục tiêu, dự định cho năm mới, có điều gì bạn đang làm thực sự có ý nghĩa với bạn, điều gì bạn đang làm để tạo ra giá trị cho những người xung quanh hay cộng đồng, đó có thể đơn giản là những kiến thức bạn chia sẻ, đó có thể là hành động nhỏ để giúp đỡ ai đó về vật chất hay tinh thần,… Làm được những điều ý nghĩa, bạn sẽ thấy mình có ích và cảm nhận cuộc sống thật tươi đẹp.
  • Tập trung vào hiện tại (mindfulness): mặc dù đang đặt mục tiêu, dự định cho năm mới, nhưng bạn cũng đừng quên tập trung vào những điều tốt đẹp đang diễn ra ngay bây giờ và ở đây. Có như vậy, bạn mới thực sự có những trải nghiệm thú vị với từng khoảnh khắc của hiện tại, thay vì quá lo lắng về tương lai, quá mong cầu để đạt được những mục tiêu này, kế hoạch nọ. Khi xem xét mục tiêu năm cũ, hãy chúc mừng bản thân dù mục tiêu đạt được không quá lớn lao, điều này rất quan trọng vì nó sẽ là nguồn động viên, là những cảm xúc tích cực giúp ta tiến bước về phía trước, đạt được những mục tiêu khác trong cuộc sống.

Tóm lại, tư duy tích cực không chỉ là một tư duy mà còn là một lối sống, nó có thể giúp thay đổi lăng kính của chúng ta với thế giới xung quanh và thay đổi cả cuộc đời của chúng ta nữa. Bước vào năm mới với tư duy tích cực, không những giúp ta có thể đối mặt với những thách thức mà còn giúp ta tự tin hơn vào chính bản thân mình, khai phá những điểm mạnh trong ta, để có thể hướng tới những mục tiêu dự định phía trước.

Bài viết này, cũng là lời nhắc nhở cho chính bản thân mình, bởi có những mục tiêu, những dự định mình vẫn chưa thực hiện được ở năm cũ và còn có khá nhiều điều mông lung cho những dự định năm mới, nhưng với sự tích cực, mình tin rằng, mình sẽ làm được, mình sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức và những điều tốt đẹp sẽ đến với mình.

Còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ những cảm nhận của bạn về những ngày cuối năm và bạn đang chuẩn bị chào đón năm mới với tâm thế như thế nào nhé!

Bài này trong danh mục Trí.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *