Bạn Có Thực Sự Bình An Bên Con?

1.5K lượt xem

Có một câu chuyện kể rằng, xưa có ông vua nọ tổ chức cuộc thi để tìm ra người nào vẽ được bức tranh bình yên nhất. Có rất nhiều người tham gia, và các bức tranh đã được nhà vua xem qua. Nhưng nhà vua chỉ chọn được 2 bức tranh thích nhất.

Bức tranh thứ nhất vẽ mặt hồ nước tĩnh lặng, trong suốt, bên cạnh dãy núi cao vút đang soi bóng xuống mặt hồ. Bầu trời trong xanh, mây trắng. Nếu ai nhìn vào cũng đều có cảm giác bình yên, tĩnh lặng, nhưng nhà vua cảm thấy dường như bức tranh đang còn thiếu cái gì đấy!

Bức tranh thứ hai vẽ những ngọn núi mấp mô, bầu trời u ám như sắp có mưa bão, và bên dưới ngọn núi có dòng thác đang chảy ào ào xuống, tung bọt trắng xóa. Bức tranh trông thật chẳng bình yên chút nào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ thì bên cạnh dòng thác ấy, có bụi cây nhỏ mọc ra từ hẻm đá, trên cây có một con chim mẹ đang làm tổ. Ở đó, bên dòng thác như đang giận dữ, con chim mẹ vẫn an nhiên đậu trên tổ của mình.

Nhà vua chọn bức tranh thứ hai, vì ông cho rằng bình yên không phải có nghĩa là bạn phải sống ở một nơi không ồn ào, không lao động vất vả mà bình yên chính là trước những thứ đó mà tim bạn vẫn bình an. Đó mới là bình yên thật sự.

Câu chuyện này cũng giống như hành trình nuôi dạy con vậy, bạn chỉ thấy bình an khi con mình đang chơi vui vẻ, đang ăn giỏi, ngủ tốt, … vậy bạn có thật sự thấy bình an khi cả những lúc con quấy khóc, con ăn vạ, hay con tranh giành đồ với với các bé khác không? Bởi vậy, người ta mới có câu nói là “Tâm an thì con ngoan” là thế! ^^

Mình có 2 tình huống thực tế muốn chia sẻ về bạn Bin và bạn Bông nhà mình.

Câu chuyện về bạn Bông cách đây 2-3 năm như thế này, hôm đó cả nhà mình cùng đi siêu thị, khi dạo xong một vòng ở tầng 1 thì chúng mình bắt đầu lên tầng 2. Vừa lên thang cuốn tầng 2, bạn Bông đã khóc nức nở, không chịu đi và nằm lăn ra khóc to thật to, các thành viên còn lại trong gia đình không ai hiểu đã có chuyện gì xảy ra với bạn ấy. Mọi người đi qua, ai cũng nhìn và đặc biệt là nhìn vào mình với thắc mắc tại sao lại không la hay đánh gì bạn ấy, sao lại để bạn ấy khóc to tại nơi đông người thế?… Lúc đó, mình ngồi xuống, ôm bạn ấy, thoa lưng, hôn lên chân, lên tay bạn ấy để vỗ về. Rồi đến khi tiếng khóc nhỏ dần, bạn ấy ngước mặt lên, vẫn thấy mình ở đó thế là dụi đầu vào lòng mình bảo rằng: “Cái dán sticker của con rớt đâu rồi?”. Thì ra, cái miếng dán sticker mà hay dán lên các sản phẩm ở siêu thị bị đánh rơi mất. Mình cười nhẹ với bạn ấy, ôm bạn ấy, xoa đầu bạn ấy và nói với bạn ấy là chúng mình sẽ cùng đi tìm miếng sticker khác nhé!

Nếu trong trường hợp ấy, mình không bình tĩnh, không kiên nhẫn đợi bạn ấy giải tỏa cảm xúc bằng cách để bạn ấy khóc một lúc thì có lẽ mình đã có những hành động khác, và tất nhiên, sẽ không tốt cho con của mình. Và cho đến tận bây giờ, mình vẫn rất kiên nhẫn, bình tĩnh với tiếng khóc hay la hét của bạn ấy.

Tình huống ngược lại, đó là câu chuyện về bạn Bin nhà mình. Bin có tham gia trực tuyến Đấu trường Vioedu khu vực, trong đó các bạn sẽ được thử thách làm 30 câu (27-28 câu Toán, 2-3 câu Tiếng Việt) trong vòng 20 phút. Bin sẽ tự đọc đề và gõ đáp án vào trên máy tính, mình ngồi cạnh Bin để xem và nếu phát hiện câu sai, mình sẽ bảo bạn ấy tính lại. Khả năng của Bin làm được hết khoảng 28-29 câu, mặc dù thời gian mất hơi lâu, do phải đọc đề, tính toán các kiểu nữa. Trong bài thi, thường sẽ có 1 hoặc 2 câu khó, đêm qua cũng vậy, đó là bài toán về tìm số có 2 chữ số biết rằng… Thật ra, dạng toán này Bin chưa học cả trên trường và mẹ cũng chưa hướng dẫn, nên Bin không biết làm. Nhưng khi nhìn thời gian cứ trôi đi, mà Bin vẫn chưa biết làm cách nào để giải, mình mất bình tĩnh thực sự. Thay vì lúc đó, hướng dẫn con cách làm một cách nhẹ nhàng thì mình lại hét lên “Bài dễ thế không biết làm!”, “Con ghi nháp ra đi, nhanh lên”,… kiểu kiểu thế! Giọng mình lúc đó, đúng là hơi to và chanh chua nữa. Sau khi hướng dẫn, bạn ấy đã làm được và kết thúc bài thi đạt. Nhưng mặt bạn ấy không vui, lủi thủi đi lại bàn để soạn sách vở mai đi học. Mình cảm thấy ái náy và ray rứt vô cùng. Khi lên giường chuẩn bị ngủ, mình hỏi “Con có buồn khi mẹ la con về bài toán mới nãy không?”. Tất nhiên, bạn ấy trả lời là có và mình cũng đã xin lỗi bạn ấy.

Trong câu chuyện đêm qua, mình cảm thấy mình chưa bình tĩnh, kiên nhẫn và đủ bình an với bạn lớn, đặc biệt là trong vấn đề học tập. Nếu nghĩ xa hơn, các bố mẹ sẽ thấy rằng, chính những lúc quát mắng con như thế thì vô tình mình đã làm cho trẻ bớt đi sự hứng thú đối với việc học của mình. Bạn phải thật sự lắng nghe và thấu hiểu trẻ thì bạn mới cảm nhận được sự thất vọng, nỗi buồn mà trẻ có biểu hiện trên khuôn mặt và hành động của chúng.

Nghề làm bố mẹ là nghề khó nhất, nhưng mình thấy vẫn còn đâu đó những ông bố, bà mẹ cho mình cái đặc quyền là người kiểm soát trẻ, quát mắng và đánh trẻ hằng ngày bởi những lý do hết sức bình thường như con không chịu ăn, con không chịu tắm, con không chịu ngủ trưa, con không chịu dọn dẹp đồ chơi,… Nghiên cứu đã cho thấy, việc đánh trẻ hay dùng nhục hình với trẻ chỉ mang lại kết quả tức thời, làm trẻ phục tùng ngay lúc đó. Nhưng sẽ mang lại những tiêu cực lâu dài cho trẻ như: làm tăng sự hiếu chiến, hành vi phản xã hội và đôi khi lại gây một số chứng rối loạn tâm thần cho trẻ.

Hãy làm bố mẹ tỉnh thức các bạn nhé! Mình cũng phải học hỏi và thực tập hằng ngày, chứ không phải mình là siêu nhơn gì đâu. Cách mình thực tập đó là, trước bất kỳ tình huống bất như ý nào, hãy hít 3 hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, đồng thời đặt câu hỏi trong đầu rằng: mình muốn dạy cho con điều gì trong tình huống đó, chứ không phải bắt con phải ngay tức khắc làm theo lời của mẹ. Ngoài ra, việc trò chuyện cùng con cũng vô cùng quan trọng, bởi nó giúp cho mọi người thấu hiểu và đồng cảm nhau hơn. Mình thường chia sẻ thực với 2 bạn nhỏ rằng, mẹ cũng đôi lúc rất tức giận và bực mình, khi đó con hổ trong người mẹ đang gầm gừ và rất dễ làm tổn thương người khác. Vì thế, các con hãy thông cảm cho mẹ những lúc ấy nhé! Khi ấy, mình thường nhận lại những lời khuyên về cách giải tỏa cơn tức giận từ 2 bạn rất đáng yêu.

Khi bạn bình an tức là bạn sẽ có đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để giải quyết bất kỳ tình huống nào của trẻ, chứ không phải là bạn an nhiên để mặc chúng thích làm gì thì làm, mặc kệ nó để tâm mình được an. Bình an là sự lựa chọn, chúc cho những người làm bố, làm mẹ luôn bình an trên con đường đồng hành cùng con! ^^

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *