Ăn Đúng Cách

516 lượt xem
Hãy cùng kiểm tra 7 điều dưới đây, để chắc rằng bạn đã ăn đúng cách hay chưa nhé! 
1️⃣ Bạn có ngồi vào bàn khi ăn?
Vì quá bận rộn, bạn quên dành thời gian đủ để cho phép bản thân ngồi vào bàn ăn, mà đôi khi bạn ăn ngay trên bàn làm việc, ăn trên xe để đi trường học hoặc nơi làm việc vì sợ trễ giờ học, giờ làm… Đôi khi, bạn lại ngồi ăn trên ghế sofa để có thể xem tivi… Hãy dành thời gian để ngồi vào bàn ăn và thưởng thức các món ăn bạn nhé, còn được ăn là còn được hạnh phúc lắm rồi.
2️⃣ Bạn có tập trung khi ăn?
Cuộc sống bận rộn ngày nay, khiến con người trở nên đa nhiệm (multitasking), tức vừa làm việc này, đồng thời vừa làm việc khác. Chẳng hạn như chúng ta vừa ăn, vừa xem tivi, vừa ăn vừa làm việc, vừa đi shopping, vừa nhóp nhép trong miệng miếng bánh hay viên kẹo. Khi ăn với sự mất tập trung như vậy, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn, ăn mà không biết thức ăn có mùi vị và màu sắc như thế nào.
3️⃣ Bạn có ăn khi bụng đói?
Hãy kiểm tra xem những ngày gần đây nhất, có khi nào bạn ăn khi bụng đói hay do thói quen thích ăn vặt, nên bạn lại ăn liên miên suốt cả ngày. Việc ăn liên tục, không đúng bữa, ăn khi bụng không đói sẽ khiến đường huyết của bạn không ổn định, đôi khi dễ gây tăng cân nữa. Vì vậy, hãy chắc rằng các bữa ăn của bạn phải đúng bữa, chẳng hạn như các bữa chính cách nhau 4 tiếng, các bữa phụ cách bữa chính khoảng 2 tiếng là ổn.
4️⃣ Bạn có ăn những gì cơ thể thật sự muốn?
Có bao giờ bạn lắng nghe cơ thể của mình, để biết rằng đường ruột của mình có thể tiêu hóa được chất này, nhưng không tiêu hóa được chất kia, lắng nghe cơ thể để hiểu rằng, với món ăn này có thể mình bị dị ứng, nhưng món khác thì không?… Hay bạn nghĩ rằng, mình có thể ăn được tất cả các thức ăn miễn sao người khác ăn được là mình ăn được. Có câu nói rằng: “Thức ăn của người này là thuốc độc của người kia” ý muốn đề cập, mỗi người khác nhau có tính cá thể sinh học khác nhau (bio-individual), vì vậy, việc lắng nghe cơ thể là rất quan trọng để biết bạn nên ăn những gì cơ thể thực sự muốn, bạn nhé!
5️⃣ Bạn có dừng ăn lại khi đã hài lòng?
Thông thường, chúng ta khó cưỡng lại những món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của mình mà ăn thật nhiều, điều này hoàn toàn không tốt đối với hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Bạn có biết rằng, sau ăn 20 phút thì não mới thông báo tín hiệu no, vì vậy hãy dừng ăn khi bạn đã hài lòng hoặc cảm thấy no khoảng 80% thôi, không nên để ăn đến quá no bạn nhé!
6️⃣ Bạn có ăn chậm, nhai kỹ:
Ông bà ta có câu: “Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Xu hướng nhai thức ăn nhiều lần trước khi nuốt đã xuất hiện từ khá lâu vào khoảng những năm 1900. Nhưng theo thời gian, con người có thể do quá bận rộn – không có thời gian để ăn, nên việc ăn nhanh, ăn không cần nhai kỹ khá là phổ biến.
Ăn chậm, nhai kỹ giúp quá trình tiêu hóa được dễ dàng hơn, tiêu diệt các loại ký sinh trùng có trong các loại rau sống. Ngoài ra, việc ăn chậm nhai kỹ còn giúp thưởng thức được hương vị món ăn, mang lại nhiều trải nghiệm khi ăn, biết dừng lại đúng lúc mà không ăn quá nhiều từ đó có thể kiểm soát được cân nặng.
7️⃣ Bạn có ăn với sự thích thú và lòng biết ơn:
Bữa ăn của bạn có thực sự vui vẻ, quây quần bên những người thân yêu hay những bữa ăn của bạn là những cuộc chiến cãi nhau, bạn có cảm thấy vui vẻ khi ăn hay ăn chỉ vì sự ép buộc. Điều này thật sự tệ hại, bởi nếu tâm trạng không tốt, cơ thể tiết nhiều Cortisol khiến bạn mệt mỏi, ăn không ngon miệng. Lâu dần, điều này có thể làm cho hệ miễn dịch của bạn kém đi, nguy cơ mắc các bệnh mãn tính cũng tăng lên. Vì vậy, hãy ăn trong sự vui vẻ, thích thú và đặc biệt biết ơn bữa ăn của mình, biết ơn những người trồng rau, biết ơn người cung cấp thực phẩm để mình mua, biết ơn đầu bếp đã chuẩn bị bữa ăn cho chúng ta ăn…
Chúc bạn có thể hình thành thói quen ăn uống đúng cách, để cơ thể được khỏe mạnh!
Bài này trong danh mục Thân.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *