Hiệu Ứng Pygmalion – Khi Kỳ Vọng Của Bạn Trở Thành Hiện Thực!

21 lượt xem

Bạn có bao giờ tự hỏi: “Liệu tôi có thực sự đối xử công bằng với tất cả mọi người?”

Nếu nghĩ kỹ lại thì điều này hầu như không thể! 😜

Chúng ta – dù muốn hay không – đều có xu hướng đưa ra nhận định về người khác chỉ trong khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ. Ánh mắt họ thân thiện hay xa cách? Họ có vẻ lo lắng hay bình thản? năng động hay dè dặt? Những ấn tượng ban đầu, dù chỉ là thoáng qua, đã in sâu vào tâm trí, định hình cách ta nghĩ về họ, cách ta đối xử với họ – đôi khi trước cả khi họ cất tiếng nói. 🤔

Ấn tượng đầu tiên dù tốt hay xấu thì thường được bộ não của chúng ta ghi nhớ rất lâu. Chính những nhận thức này của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta tiếp cận họ, và những hành vi của ta đối với họ. Điều kỳ diệu và cũng đầy thách thức là: những nhận định ban đầu ấy không phải lúc nào cũng chính xác. Và nếu không cẩn thận, chúng có thể tạo thành chiếc “kính màu” khiến ta nhìn nhận người khác sai lệch, thậm chí khiến họ cư xử theo đúng những gì ta… vô tình mong đợi. 😎

Do đó, nếu bạn biết đến hiệu ứng Pygmalion để có thể đối xử với người khác thì quả là tuyệt vời. Hiệu ứng Pygmalion – một khái niệm trong tâm lý học, lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại Hy Lạp về Pygmalion, nhà điêu khắc đem lòng yêu chính bức tượng mình tạo nên. Hiệu ứng này chỉ ra rằng: nếu bạn nuôi dưỡng/kỳ vọng về hành vi và tính cách của một người, thì người đó sẽ trở thành chính xác như vậy. 🫶🥰

Theo hiệu ứng này, bất kể bạn nhìn nhận ai đó ra sao, bạn sẽ đối xử với họ theo cách làm khơi gợi ra hành vi mà bạn đang ấp ủ về họ. Nếu bạn nghĩ ai đó cực kỳ khó chịu, bạn sẽ tỏ ra khó chịu với họ và thường hành động theo cách kích thích họ cũng hành xử khó chịu trở lại. Nếu nghĩ không tốt về ai đó, bạn sẽ cư xử theo một cách khiến họ phải hành xử tồi tệ. Mặt khác, nếu bạn nghĩ tốt về ai đó, bạn đối xử với họ theo những cách giúp khích lệ mặt tốt của họ và bạn sẽ cho họ nhiều cơ hội hơn. Bạn sẽ giúp họ thoải mái, khích lệ họ và bản thân họ cũng phát huy được mặt tốt của bản thân trong bối cảnh đó.

Mình thấy áp dụng hiệu ứng này vào chính cuộc sống của mình rất hay:

☘️ Với gia đình: Mình luôn tin tưởng và nhắc nhở bản thân rằng chồng và con mình là những người lắng nghe, biết sẻ chia và yêu thương. Đó như là ngọn đuốc chiếu sáng những suy nghĩ, những hành động của mình để làm sao có thể khích lệ, khơi gợi những điểm này trong chính chồng và con mình.

☘️ Với khách hàng và những người xung quanh: Dù đôi khi gặp phải thái độ khó chịu, mình vẫn cố gắng duy trì một tâm thế tích cực. Mình hình dung họ là những người đang trải qua khó khăn và cần sự thông cảm, và mình chọn cách đáp lại bằng sự nhẹ nhàng. Dần dần, những khoảng cách vô hình biến mất và họ trở nên cởi mở, thoải mái hơn.

Hiệu ứng Pygmalion không chỉ là công cụ tâm lý, mà nó là chiếc chìa khóa mở ra những mối quan hệ tốt đẹp. Khi bạn nhìn thấy phiên bản tốt nhất của người khác – dù chỉ trong tâm tưởng – bạn sẽ cư xử với họ theo cách khiến điều đó trở thành hiện thực. 🌷

Hãy thử hình dung 🤔:

🌸 Người bạn đời của bạn là người ấm áp, bao dung.

🌸 Con của bạn là đứa trẻ ngoan, biết yêu thương gia đình.

🌸 Đồng nghiệp của bạn là người tận tâm, chuyên nghiệp, biết giúp đỡ người khác.

🌸 Khách hàng của bạn là người tử tế, dễ mến.

Và rồi, hãy để chính cách bạn ứng xử khơi gợi những điều ấy trong họ. Bạn sẽ ngạc nhiên trước sức mạnh của niềm tin và kỳ vọng.

Cuối cùng, khi mọi người đối xử tốt với chúng ta, thì ta cũng có xu hướng đáp lại họ một cách tốt đẹp. Còn chần chừ gì nữa, hãy thử áp dụng hiệu ứng Pygmalion này nhé và chia sẻ những câu chuyện thú vị của bạn hen!

Bài này trong danh mục Trí, Tâm.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *