Nỗi Buồn Của Con

118 lượt xem
Dạo này, các bạn nhỏ đi học rồi. Chiều tối về thì ríu ra ríu rít chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè, thầy cô các kiểu, nhiều khi làm mình cũng háo hức tò mò để nghe các bạn kể chuyện không hà! Hiii…
Tối hôm trước, thay vì hỏi các bạn nhỏ 3 điều các con cảm thấy vui nhất ngày hôm đó, thì mình hỏi các bạn một điều mà các con cảm thấy buồn nhất ngày hôm đó.
Nàng Bông, một tay xoa rốn mẹ, một tay ôm cổ mẹ và bắt đầu kể – Câu chuyện buồn nhất của con ngày hôm đó.
👧 Bông: Hôm nay, sau khi ăn trưa xong, tụi con được Cô phát cho 2 trái bòn bon.
👩‍🦰 Mẹ: Ôi, ngon đó.
👧 Bông: Nhưng ăn hết rồi, con lại thèm ăn tiếp, nên con đi quanh lớp xin các bạn khác.
👩‍🦰 Mẹ: Chời! Sao phải đi xin vậy hở con?!… À mẹ biết rồi, các bạn không cho nên con buồn chớ gì?
(Mẹ và anh Hai cười cười nàng ấy)
👧 Bông: Không phải, có một số bạn không ăn nên cho con mà. Nhưng mà…
👩‍🦰 Mẹ: Nhưng mà sao con?
👧 Bông: Con cho mấy trái đó cho bạn QA, bạn QA hứa là sẽ cho sticker Capybara, nhưng bạn ấy không giữ lời hứa, không cho con.
Sau đó, đến giờ ra về, con cũng lại chơi với bạn đó, nhưng bạn QA cũng không cho con, nên con buồn!
👩‍🦰 Mẹ (xoa xoa, ôm ôm bạn ấy giống như mình đang chia sẻ nỗi buồn cùng bạn ấy vậy): À mẹ hiểu rồi, vì bạn QA không cho sticker Capybara cho con như đã hứa nên con buồn! 🥰
Và sau đó, mẹ và Bông cũng trò chuyện thêm một lúc một cách nhẹ nhàng, tích cực tình huống trên, rồi cả nhà đi ngủ,…
Thông qua câu chuyện này và nhiều lần khác nữa thì mình hiểu được là, các bạn nhỏ như Bin và Bông nhà mình đều có thể buồn vì bất cứ lí do gì. Có thể người lớn cho rằng, chuyện cỏn con vậy các con chúng ta không nên buồn, hay không nên khóc,… Nhưng thật ra, với các bạn nhỏ, vấn đề dù chút xíu như vậy thôi, nhưng đôi khi nó có thể kéo dài dai dẳng và trở thành vấn đề lớn nếu không được giải tỏa và gây ức chế tinh thần nữa đó ạ.
Nỗi buồn cũng được xem như là những cảm xúc khác như vui vẻ, sợ hãi, giận dữ,… Nó cần được các chập nhận, thay vì chúng ta cứ bắt con của mình phải luôn vui, luôn cười, luôn cảm thấy hạnh phúc thì điều này là không đúng.
Người lớn chúng ta, đôi khi còn không hiểu được tại sao – “Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Chiều – Xuân Diệu). Do đó, các bạn nhỏ cũng đôi khi buồn vu vơ mà chẳng cần lý do là vậy. Miễn là người lớn chúng ta ở cạnh bên, có thể chia sẻ đồng hành cùng, thì các bạn nhỏ cũng được giải tỏa đi phần nào những nỗi buồn đó.
Mỗi lứa tuổi khác nhau, các bạn nhỏ sẽ có những nỗi ưu sầu khác nhau, chẳng hạn như giờ các bạn nhà mình 8-9 tuổi thì chỉ buồn những chuyện như các bạn không chia sẻ đồ chơi, bạn kia không chơi với con, con không được đá banh trong giờ ra chơi… nhưng sau này khi lớn hơn một chút nữa 12-15 tuổi, thì lúc này nỗi buồn của các bạn có thể là do bạn kia không thích con, hay ba mẹ chưa hiểu con,…
Trong cuộc sống hàng ngày, mình vẫn thấy một số ba mẹ ít quan tâm đến tiếng khóc của con trẻ, ngay cả những bé nhỏ 1-2 tuổi đến các bạn 3-5 tuổi. Thường, ba mẹ trong trường hợp này cho rằng, con khóc xíu rồi sẽ nín thôi mà, kệ nó đi! Nhưng không, chính bạn – những người làm ba mẹ đã mất đi tín hiệu để tìm hiểu liệu rằng, con đang gặp vấn đề gì bất ưng ý hay con đang mong muốn điều gì đó… Nếu như tình trạng này diễn ra thường xuyên, đứa bé sẽ tự hiểu rằng ba mẹ không yêu thương mình, không quan tâm đến mình,… khi lớn lên, sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái ngày càng rõ hơn và có thể trẻ sẽ rơi vào trầm cảm bởi đôi khi trầm cảm được xem là sự quá độ của những ưu sầu.
👉👉👉 Mình tin rằng, những cảm xúc khó của các con như buồn, thất vọng, hay giận dữ… đều mang một ý nghĩa riêng và cũng nhắc nhở những người là cha làm mẹ như chúng ta cần chú ý đến các con nhiều hơn. Hướng dẫn con gọi tên được cảm xúc mà con đang có, thể hiện những cảm xúc đó một cách tích cực, khơi gợi tình yêu thương, lòng từ bi trong con là điều mình nghĩ cha mẹ chúng ta nên học hỏi và hướng dẫn cho con.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *