Ăn Uống Theo Cảm Xúc (Emotional Eating)

1.4K lượt xem

Ăn uống theo cảm xúc nghĩa là sử dụng thức ăn không phải cho mục đích nuôi dưỡng cơ thể, mà thường là dùng để đối phó lại với những cảm xúc mà bạn không muốn đón nhận. Thỉnh thoảng ai trong chúng ta cũng từng như thế.

Từ các tâm trạng không mong muốn như căng thẳng, lo âu, stress, chán nản…đến những cảm xúc tích cực như vui mừng, phấn khởi, hạnh phúc… đều có thể được chúng ta sử dụng thức ăn để phản ứng lại với những cảm xúc này.

+ Bạn đã từng cô đơn, chán chường và khi đó bạn lại thèm ăn bánh kẹo hoặc đồ ăn vặt nhiều đường để xem như là lấp đầy khoảng trống đó?

+ Những lúc quá vui, bạn thường ăn quá nhiều và không kiểm soát?

+ …

Tại sao lại là thức ăn mà không phải thứ gì khác?

Có nhiều lý do khiến việc ăn uống trở thành một cách để đối phó.

  • Thức ăn có sẵn quanh chúng ta, hình ảnh thức ăn dễ làm chúng ta cảm thấy đói.
  • Cảm xúc khó khăn có thể dẫn đến cảm giác trống rỗng hoặc khoảng trống cảm xúc. Khi ăn, cơ thể giải phóng Dopamine là một chất hóa học trong não giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu, xoa dịu cảm giác trống rỗng. Do đó, ta dễ dàng tìm đến thức ăn.
  • Chúng ta thường xuyên mất kiểm soát trong các khía cạnh của cuộc sống, chẳng hạn như: mối quan hệ, công việc, tài chính, sức khỏe,… Vì vậy, điều này sẽ dẫn đến việc ăn uống thừa hoặc ít hơn để lấy lại cảm giác kiểm soát.
  • Ăn theo cảm xúc thường là một hành vi tự động. Chẳng hạn như mỗi khi căng thẳng bạn đều tìm đến thức ăn, từ đây sẽ hình thành nên thói quen. Và khi có dấu hiệu căng thẳng ở những lần kế tiếp, thì việc đầu tiên bạn làm là tìm đến thức ăn.

Đôi khi, không có gì sai khi sử dụng thực phẩm để đối phó với cảm xúc. Chẳng hạn như việc nhà bạn mở tiệc mời bạn bè đến tham dự để chúc mừng bạn có thêm thành viên mới, hay bạn trổ tài nấu những bữa ăn ngon cho những người bạn yêu thương,… Tuy nhiên, ăn uống theo cảm xúc sẽ trở thành vấn đề khi bạn bị mắc kẹt trong một cảm xúc khó, lúc đó thay vì xác định, thể hiện và quản lý cảm xúc của mình thì trí não của bạn lại hướng bạn sang việc ăn uống để đối phó với những cảm xúc này.

Ăn uống theo cảm xúc không phải là một chứng rối loạn ăn uống (eating disorders). Nó có thể là một dấu hiệu của việc ăn uống bị rối loạn, và từ đó dẫn đến phát triển chứng rối loạn ăn uống.

Cách để dừng việc ăn uống theo cảm xúc

Ghi lại cảm xúc:

Bạn càng hiểu rõ thói quen của mình thì càng tốt. Ăn theo cảm xúc có thể diễn ra một cách tự động theo thói quen, vì vậy việc hiểu rõ cảm giác của mình khi làm một số việc thì bạn càng có khả năng kiểm soát chúng.

Hãy thử ghi lại những lần bạn ăn mà không cảm thấy đói:

  • Bạn đang gặp vấn đề gì?
  • Bạn đang cảm thấy thế nào?
  • Tại sao bạn lại chọn thức ăn này?
  • Cảm xúc của bạn như thế nào khi ăn?…

Quá trình ghi lại cần sự trung thực với chính mình, cố gắng không đánh giá hay phán xét bản thân, từ đó bạn sẽ nhận diện được thói quen ăn uống theo cảm xúc của mình.

Tìm những cách khác để phản ứng lại với cảm xúc thay vì ăn uống :

Nếu bạn nhận ra rằng, bạn luôn muốn ăn khi căng thẳng thì bạn hãy nghĩ đến điều gì khác để giải tỏa căng thẳng đó. Nếu bạn nhận thấy mình luôn ăn khi cảm thấy buồn chán, thì hãy xem xét các cách để kiểm soát sự nhàm chán.

Cần có thời gian và sự luyện tập để chuyển tư duy từ việc tìm kiếm thức ăn sang các hoạt động khác phù hợp với bản thân. Sau đây, là một số gợi ý để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực mà bạn có thể làm:

  • Nói chuyện với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình
  • Ra ngoài với thiên nhiên và khóc
  • Viết ra những gì bạn cảm thấy và sau đó có thể xé nó đi
  • Thể hiện bản thân theo cách an toàn chẳng hạn như chạy bộ, tập thể dục.
  • Đánh lạc hướng bản thân bằng một điều gì đó thú vị như nghe nhạc, vẽ tranh, đọc sách,…

Ăn uống trong chánh niệm:

Ăn uống trong chánh niệm là khi ăn ta biết ta ăn gì, cảm nhận thức ăn như thế nào, khi nào là ăn vừa đủ no,… Đây là cách ăn uống dựa vào các tín hiệu bên trong để đưa ra quyết định về thức ăn. Khi ăn, bạn sẽ nhai chậm, nhận thức rõ hơn về hình thức mùi vị, kết cấu và âm thanh của thực phẩm…

Ăn uống trong chánh niệm là một cách hiệu quả để cải thiện mối quan hệ giữa bạn và thực phẩm. Từ đó, sẽ không có tình trạng ăn theo cảm xúc nữa mà ăn với sự chú tâm của tất cả các giác quan của bạn.

Tóm lại, mối quan hệ của bản thân ta và thức ăn là một trong những mối quan hệ quan trọng. Hãy học cách lắng nghe cơ thể và tin tưởng vào các tín hiệu của nó để hiểu điều gì thúc đẩy bạn ăn uống (ăn khi cơ thể thực sự đói). Việc ăn uống theo cảm xúc có thể xuất phát từ thói quen, sinh lý, văn hóa, môi trường,…nhưng về lâu dài thì nó sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như chứng rối loạn trong ăn uống. Thực hành ăn uống chánh niệm là một trong những cách rất hữu ích để giúp ta vượt qua được thói quen ăn uống theo cảm xúc này.

Bài này trong danh mục Thân.

Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *