Hạnh phúc trong công việc là điều mà tất cả chúng ta đều phải nghĩ đến vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Nhiều người, khi nhắc đến công việc thường gắn với những lo âu, căng thẳng, những khó khăn, và hơn hết đó là làm việc chỉ để kiếm sống mà thôi.
Bạn có biết, bạn dành thời gian bao lâu cho công việc trong suốt cuộc đời của mình không? Ít nhất là 1/3 cuộc đời của bạn.
Hầu hết thời gian trong ngày, chúng ta dành cho công việc.
Vì vậy, thật sự xứng đáng để bạn suy ngẫm điều gì khiến bạn hạnh phúc trong công việc mà mình đang làm!
Mỗi người khác nhau sẽ có những định nghĩa về hạnh phúc trong công việc khác nhau, có người cho rằng: công việc đó phải mang lại tài chính thật nhiều thì họ mới hạnh phúc, nhưng người khác thì bảo rằng môi trường làm việc thân thiện thì họ đã cảm thấy hạnh phúc rồi, hay công việc mang lại sự tự do, sáng tạo thì đối với họ đó là niềm hạnh phúc….
Định nghĩa về hạnh phúc rất khó và khá mơ hồ, hạnh phúc trong công việc, nó còn liên hệ mật thiết với động lực nội tại của người đó, sự hiểu biết về bản thân, tâm linh và tìm ra ý nghĩa trong từng công việc, từng nhiệm vụ nữa.
Martin Seligman – nhà tâm lý học nổi tiếng cũng là cha đẻ của tâm lý học tích cực, ông đã khám phá ra mô hình PERMA bao gồm các yếu tố giúp nuôi dưỡng hạnh phúc của mỗi người bao gồm: cảm xúc tích cực, sự gắn kết, mối quan hệ, điều ý nghĩa, thành tích. Mô hình này cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng để đánh giá đo lường mức độ hạnh phúc của nhân viên. Chúng ta cũng có thể sử dụng những yếu tố này để tìm ra và duy trì niềm hạnh phúc trong công việc bạn nhé!
Tại sao tìm được niềm vui hay hạnh phúc trong công việc lại là điều cần thiết?
Tìm được niềm vui hay hạnh phúc trong công việc là rất quan trọng, vì khi ấy bạn sẽ gắn kết hơn với công việc và đồng nghiệp tại công ty đó, đồng thời bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn và thông minh hơn. Thực tế, nếu một nhân viên hạnh phúc thì sẽ tốt cho tất cả mọi người bởi vì sức khỏe tinh thần và thể chất của họ được nâng cao, họ tương tác tốt hơn với khách hàng, với mọi người trong công ty và làm việc hiệu quả hơn.
Theo nghiên cứu, một số lợi ích mà hạnh phúc trong công việc mang lại đó là:
+ Làm TĂNG năng suất, chất lượng, việc bán hàng, sự hài lòng của khách hàng, khả năng sáng tạo, sự đổi mới, thích ứng và linh hoạt.
+ Làm GIẢM tổn thất về tài chính, vắng mặt, căng thẳng,…
Cuối cùng, những nhân viên khỏe mạnh và hạnh phúc sẽ làm việc hiệu quả hơn, sản xuất ra hàng hóa tốt nhất và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ hài lòng hơn.
3 cách tìm niềm hạnh phúc trong công việc, ngay cả khi bạn không yêu thích công việc đó:
Không phải ai cũng tìm được công việc mà mình yêu thích, theo khảo sát hàng triệu người trên 142 quốc gia, thì chỉ có 13% người được phỏng vấn nói rằng họ yêu thích công việc của mình, họ gắn kết, tận tụy và cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp cho tổ chức đó.
Vậy, những ai không yêu thích công việc hiện tại của mình thì sao? Liệu họ có tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc đang làm? Sau đây là 3 cách mà bạn có thể tham khảo nếu như bạn không thuộc trong 13% số người kia:
- Đầu tiên, hãy tạo ra những thói quen tốt giúp tăng cường sự hài lòng trong cuộc sống:
Trong tâm lý học, người ta cho rằng, dù bạn thích hay ghét nơi làm việc, bạn đều có thể thay đổi lăng kính mà qua đó bộ não của bạn nhìn và đánh giá thế giới. Điều này được thực hiện bởi:
- Thể hiện lòng biết ơn với công việc bạn đang làm, dù là công việc bạn không yêu thích hay môi trường bạn không hài lòng nhưng ít nhất nó cũng mang đến cho bạn thu nhập để trang trải cuộc sống, vì vậy hãy biết ơn điều này.
- Thực hành lòng nhân ái, từ bi với mọi người xung quanh, với các đồng nghiệp hay cấp trên của bạn. Khi đó bạn sẽ có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, và chính họ sẽ là người giúp đỡ, chia sẻ với bạn trong những lúc khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống. Thật vậy, cũng không ít người không chuyển công ty khác làm việc chỉ bởi vì họ quá gắn bó, thân thiết với những người trong công ty mà họ đang làm, mặc dù đôi khi họ chưa hài lòng với công việc.
Bản thân mình, trước đây khi làm ở công ty hay tập đoàn lớn thì vẫn có một sự may mắn không hề nhỏ là các anh/chị/em đồng nghiệp rất tốt, giúp đỡ mình rất nhiều. Dù không còn làm việc ở đó nữa, nhưng những gì còn đọng lại bên trong mình đó chính là tình cảm yêu thương, sự trân quý mà mọi người dành cho nhau.
- Thực hành sự chú tâm (mindful) trong công việc, đôi khi đó là cơ hội để ta tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc mà công việc mang lại. Khi có sự chú tâm trong công việc, bạn sẽ tập trung năng lượng để hoàn thành mục tiêu công việc, tránh những phân tâm, mất tập trung.
- Lựa chọn những cảm xúc tích cực như sự hứng khởi, vui vẻ, yêu thích,… để tạo động lực trong công việc thay vì luôn chọn những cảm xúc tiêu cực sẽ làm hiệu quả công việc bị giảm sút hoặc cảm thấy chán nản về công việc của mình.
2. Thứ hai, tìm kiếm một phần nhỏ trong công việc của mình có cùng tầm nhìn và mục tiêu ý nghĩa với tổ chức:
Khi tầm nhìn và mục tiêu của bạn phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức, thì bạn sẽ cảm thấy gắn kết hơn, cảm thấy mình là một phần rất quan trọng đối với tổ chức nơi mà bạn đang làm việc. Điều này, vừa thu hút, vừa kích thích và là động lực để ta nổ lực và gắn kết với công ty nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn không yêu thích công việc hiện tại, thì hãy tìm kiếm một phần nhỏ nào đó trong công việc của mình có cùng tầm nhìn và mục tiêu ý nghĩa với tổ chức, để có thêm động lực tiếp tục làm công việc đó.
Chẳng hạn: là một giáo viên, có thể bạn đang không thích nơi mình đang công tác/giảng dạy, nhưng công việc giảng dạy có tầm nhìn và mục tiêu tương đồng với trường đó là cung cấp kiến thức cho học sinh hoặc hỗ trợ học sinh khám phá những điều mới mẻ, những kiến thức bổ ích,… Chính mục tiêu chung này, sẽ là động lực khiến bạn tiếp tục làm việc tại ngôi trường này, trước khi tìm một ngôi trường khác phù hợp hơn.
3. Cuối cùng, cần nhận ra rằng hạnh phúc là trên hành trình, chứ không phải đích đến:
Có rất nhiều người chỉ mong mình hoàn thành xong dự án này, công việc kia mới cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, mà họ quên đi việc cảm nhận hạnh phúc trong chặng đường để đạt được thành công của dự án hay công việc đó.
Hoặc có thể trong tương lai, bạn mong muốn làm được công việc mà bạn yêu thích thì bây giờ trong công việc hiện tại dù là công việc không mang lại niềm vui, nhưng bạn đang học hỏi hoặc lấy kinh nghiệm gì để có thể tìm thấy công việc mà mang lại niềm hạnh phúc cho bạn sau này. Bạn đạt được thành tích gì, bạn có tận hưởng niềm vui đó hay không? Hay chỉ chăm chăm đi tìm một công việc hoàn hảo nào đó trong tương lai?
Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc, nhưng có đến 87% chúng ta cảm thấy bực bội hoặc phẫn nộ với công việc của mình. Tỷ lệ ghét công việc cao gấp đôi so với tỷ lệ yêu thích và chỉ có 13% số người được làm công việc mà họ thấy ý nghĩa. Điều này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người nói riêng và chất lượng lao động nói chung cho tất cả ngành nghề.
Bản thân mình trước đây cũng đã từng trải qua những năm tháng làm công việc mà mình không yêu thích, nên mình rất hiểu cảm giác bực bội, chán nản, đôi khi là hoài nghi về bản thân và về những khả năng của mình. Thực tế, không phải ai sau khi tốt nghiệp trường học xong là được làm ngay công việc yêu thích, mà đôi khi phải trải qua rất nhiều công ty, rất nhiều tổ chức hoặc tự do khởi nghiệp các kiểu mới tìm ra được công việc mình yêu thích và ý nghĩa đối với mình.
Hiện nay, mình thấy nhiều bạn trẻ hay thế hệ gen Z rất chủ động trong công việc của mình, chỉ cần họ không thích là có thể xin nghỉ ngay hoặc có thể chuyển việc ngay. Họ thích tự do, thích bay nhảy hơn so với thời của mình về trước. Điều này vừa mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng kèm theo những hạn chế khác.
Tuy nhiên, nếu bạn là người hướng nội, không thích sự thay đổi như mình, hoặc còn nhiều vướng bận về tài chính mà không thể nghỉ ngay được công việc hiện tại, thì bạn nên tìm kiếm niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc mà bạn đang làm ngay cả khi bạn không yêu thích công việc đó. Song song với đó, bạn hãy dành thời gian lắng nghe bản thân mình nhiều hơn để xem điều gì đang thôi thúc bên trong của mình, bạn dành thời gian học tập những lĩnh vực mà bạn yêu thích, cho phép mình “thử” và chấp nhận “sai”, rồi dần dần bạn sẽ tìm được công việc mang lại cho bạn nhiều ý nghĩa và hạnh phúc.
Mến chúc bạn có thể tìm kiếm được nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc dù đó là công việc mà bạn chưa yêu thích! – “Don’t be discouraged, keep fighting!”
Yêu thương,
Mỹ Hạnh